Ở địa phương có nhiều hoạt động khai thác khoáng sản như Thái Nguyên, mỗi khi mùa mưa bão tới, vấn đề bảo đảm an toàn các bãi thải, hồ đập, bể chứa nước thải, chất thải từ khai khoáng lại trở nên “nóng”. Gần đây, việc đất đá tại bãi thải của mỏ than Minh Tiến, trên địa bàn xã Na Mao (Đại Từ) bị cuốn trôi vùi lấp nhiều diện tích lúa của người dân càng khiến vấn đề không thể xem nhẹ.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên bãi thải của mỏ than Minh Tiến do Công ty CP Yên Phước quản lý bị nước cuốn trôi gây thiệt hại cho nhân dân địa phương. Năm trước, chính đơn vị này đã phải bồi thường thiệt hại hoa màu cho người dân trên 700 triệu đồng cũng vì để tràn thải ra môi trường. Nguyên do khiến tình trạng này tiếp tục lặp lại là bởi phía doanh nghiệp chưa có biện pháp xử lý triệt để. Ngoài ảnh hưởng đến hoa màu, môi trường tự nhiên, bãi đổ thải của Công ty này còn tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của bà con. Để giải quyết tình trạng này, phía Công ty cần phải có phương án mở rộng phạm vi bãi thải, xây kè đá chắc chắn để chống sạt trượt và cần nhất là phải di dời các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng nghiêm trọng ra bên ngoài.
Gần đây, báo chí cũng đề cập đến sự mất an toàn của hồ Bàn Cờ, hồ thải sau tuyển rửa khoáng sản của Mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) tại xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên). Vài năm gần đây, Mỏ sắt Tiến Bộ được giao tiếp quản hồ Bàn Cờ để sử dụng vào mục đích xả thải sau khai khoáng. Do lượng bùn thải khá lớn đổ vào hồ mỗi ngày, trong khi đập đất chính mới được đơn vị gia cố thêm, nền yếu, nên dễ gây sạt lở, vỡ đập khi mùa mưa bão đến. Đặc biệt, năm 2018, thân đập của hồ đã bị rò rỉ, rất may được phát hiện và gia cố kịp thời. Khu vực ảnh hưởng của hồ Bàn Cờ khi có sự cố là rất lớn, nên cần có phương án xử lý trước mắt và lâu dài, nếu không hậu quả sẽ khôn lường.
Cũng là đơn vị khai khoáng thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Mỏ sắt Trại Cau đang tiến hành xả bùn thải tại moong Thác Lạc, trên địa bàn thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ). Hiện nay, sau một thời gian dài đổ thải, moong Thác Lạc đã cơ bản đầy, mỗi khi mưa to kéo dài nước và bùn thải có nguy cơ tràn qua mặt đập. Moong Thác Lạc rộng khoảng 23ha, sau khi khai thác hết trữ lượng, Mỏ sắt Trại Cau được cho phép xả bùn thải tạm thời. Tại đây, năm 2018 cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đã yêu cầu xem xét mức độ nguy hiểm của đập thải nói trên. Tuy nhiên đến nay, phương án bảo đảm an toàn moong Thác Lạc vẫn chưa được triển khai thực hiện. Mùa mưa bão đã đến, người dân địa phương đang rất lo lắng trước nguy cơ vỡ đập Thác Lạc bất cứ lúc nào.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay còn một số bãi đổ thải, hồ đập chứa thải từ hoạt động khai khoáng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Bởi vậy, rất cần các biện pháp phòng, chống, bảo vệ cẩn trọng và kịp thời. Các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng cần tiến hành rà soát toàn bộ số công trình đổ thải để xác định công trình nào có nguy cơ sạt lở cao, từ đó xây dựng phương án xử lý hiệu quả trước mắt và lâu dài. Đối với đơn vị, doanh nghiệp nào chưa có phương án bảo đảm an toàn công trình đổ thải cần kịp thời nhắc nhở, yêu cầu thực hiện ngay, nếu nguy cơ sạt lở cao, chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu, cần thiết phải yêu cầu dừng xả thải. Đối với những trường hợp cố tình xem nhẹ công tác an toàn trong khai khoáng cần xử lý nghiêm theo quy định. Bên cạnh đó, vai trò của chính quyền sở tại và người dân trong chủ động phương án “4 tại chỗ” phòng, chống lụt bão phải được nâng cao, nhằm kịp thời ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra…