Chiều 28-6, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc tại huyện Võ Nhai để đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm và công tác dập dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND huyện, 6 tháng đầu năm, sản lượng lương thực toàn huyện ước đạt trên 23.900 tấn, đạt 47,82% kế hoạch năm, tăng 2,4% so với cùng kỳ; sản lượng chè búp tươi đạt 6.150 tấn, đạt 54,9% kế hoạch năm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 2.800 tấn, đạt 42,1% kế hoạch năm.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, bắt đầu xuất hiện ổ dịch vào ngày 4-5, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 112/127 xóm của 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn; tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là gần 600 tấn. Sau khi dịch bệnh xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung nguồn lực dể dập dịch theo phương châm 4 tại chỗ; đồng thời, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn trong vùng dịch; tiến hành vệ sinh tiêu độc chuồng trại tại nơi có dịch. Cùng với đó, thực hiện công khai chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho các hộ có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy đảm bảo đúng đối tượng.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo huyện Võ Nhai cũng đã kiến nghị với tỉnh về việc cấp bổ sung kinh phí cho công tác dập dịch tả lợn châu Phi; hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm; đề nghị tỉnh sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của huyện…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Lượng nhấn mạnh: Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đã gây thiệt hại lớn cho ngành Nông nghiệp của tỉnh nói chung và huyện Võ Nhai nói riêng. Vì vậy, huyện cần có giải pháp chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để bù vào thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo dập dịch, đảm bảo công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy trình, hỗ trợ đúng đối tượng. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, huyện cần rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng; khai thác tối đa lợi thế của địa phương, tập trung phát triển rừng trồng, vùng trồng cây ăn quả để tạo sự bứt phá…