Huyện Định Hóa hiện có 437 công trình thủy lợi, gồm: 42 hồ chứa, 145 đập dâng, 17 trạm bơm và 233 tuyến kênh mương phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Do ảnh hưởng của thiên tai, cộng với quá trình sử dụng nhiều năm nhưng không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nên hiện nay, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa bão.
Đập Nà Rị (xã Bình Thành) được đầu tư xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Công trình có chức năng trữ nước phục vụ sản xuất cho khoảng 10ha đất nông nghiệp của người dân trong xã. Trải qua hơn 60 năm sử dụng, công trình không được sửa chữa, nâng cấp nên đã có hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng. Mới đây, do ảnh hưởng của cơn mưa lớn kèm theo dông lốc xảy ra vào đêm 29-5, toàn bộ thân đập Nà Rị dài trên 20 mét đã bị vỡ và cuốn trôi hoàn toàn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Văn Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành cho biết: Đập Nà Rị bị vỡ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tích trữ nước phục vụ sản xuất của bà con nhân dân trong xã. Ngoài ra, mặt đập còn là con đường giao thông liên xóm từ Thàn Mát đi xóm Thanh Bần. Do đó, sau khi đập bị vỡ, giao thông của người dân cũng bị chia cắt hoàn toàn. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, để khắc phục tình trạng vỡ thân đập Nà Rị dự kiến cần nguồn vốn khoảng trên 3 tỷ đồng. Điều này nằm ngoài khả năng tài chính của địa phương nên chúng tôi đề nghị tỉnh, huyện xem xét, hỗ trợ kinh phí sớm sửa chữa công trình này để cung cấp nước phục vụ sản xuất và đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ lưu.
Hồ Nà Tấc (xã Lam Vỹ) là một trong hai công trình hồ chứa nước lớn nhất của huyện Định Hóa với dung tích thiết kế là 870.000m3 nước. Công trình được đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2005. Hồ có nhiệm vụ tích trữ nước, điều tiết nước tưới cho hơn 140ha đất nông nghiệp của 2 xã Lam Vỹ và Tân Thịnh. Sau gần 15 năm đưa vào sử dụng, gần đây, hồ đã có dấu hiệu xuống cấp khá nghiêm trọng, đặc biệt là phần đập chính. Cụ thể: Ở khu vực mái hạ lưu thân đập chính xuất hiện nhiều mạch đùn, mạch sủi gây thấm nước qua thân đập với diện tích vùng thấm khoảng 300m2; trên cơ đập cũng xuất hiện vùng thấm nước với diện tích khoảng 215m2… Ngoài ra, van điều tiết thượng lưu cũng đã bị hỏng, không thể đóng kín. Được biết, hiện tượng nêu trên đã xuất hiện từ cuối năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của hồ Nà Tấc không chỉ ảnh hưởng đến khả năng khả năng tích trữ và điều tiết nước của công trình, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao đối với khoảng 500 hộ dân sinh sống tại vùng hạ lưu hồ.
Theo khảo sát của chúng tôi, ngoài 2 công trình nêu trên, trên địa bàn huyện Định Hóa hiện còn hàng chục công trình thủy lợi khác đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cần được đầu tư khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người dân, điển hình như: Hồ Bảo Linh (xã Bảo Linh); hồ Bó Vàng (xã Thanh Định); hồ Đèo Bụt (xã Phượng Tiến); hồ Đá Bay (xã Bình Yên); hồ Bản Hin (xã Sơn Phú); đập Đồng Mòn, đập Gốc Sấu (xã Đồng Thịnh); đập Quyết Tâm (xã Kim Sơn); đập Trung Việt (thị trấn Chợ Chu); Đập dâng và trạm bơm thuỷ luân Vực Nạn (xã Tân Dương); kênh Nà Ky (xã Tân Thịnh); kênh Đèo De và đập Nạ Tuồng (xã Phú Đình)… Các công trình thủy lợi trên đều có chung tình trạng như: Đập chắn nước đầu nguồn vỡ hoặc bị rò rỉ thấm qua thân đập; cống van lấy nước hư hỏng; mặt đập chưa được gia cố, mái đập hạ lưu có hiện tượng thấm nước qua thân đập, cống bị rò rỉ, bê tông tràn xả lũ bị bong tróc, sạt lở; lòng hồ bị bồi lắng... Một số công trình do thiết kế cũ, đập xây bằng đất; mặt đập xây dựng theo kiểu kết hợp đường giao thông, cho phép người và phương tiện qua lại; tràn xả lũ khẩu độ nhỏ, khó tiêu thoát nước... vì vậy khi có mưa lũ rất dễ xảy ra sự cố, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết: Các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp phần lớn đều đã được đầu tư xây dựng nhiều năm nhưng không được duy tu, sửa chữa thường xuyên. Mặt khác, những năm gần đây, huyện Định Hóa thường xuyên phải gánh chịu những trận thiên tai, lũ ống, lũ quét lớn khiến cho nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng. Trong khi đó, kinh phí được cấp để duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện mỗi năm khoảng 6-7 tỷ đồng. Nguồn vốn này chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sửa chữa cho khoảng 30% công trình bị hư hỏng. Do đó, số công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn huyện ngày một tăng thêm…
Trước thực trạng nêu trên, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất cho người dân, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, thiết nghĩ, tỉnh cần sớm quan tâm, ưu tiên nguồn vốn để hỗ trợ huyện Định Hóa duy tu, sửa chữa những công trình thủy lợi đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, huyện Định Hóa cũng cần chủ động huy động các nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa những công trình thủy lợi nhỏ theo phân cấp; đồng thời, xây dựng kế hoạch, phương án cứu nạn, cứu hộ, chuẩn bị lực lượng, phát hiện kịp thời và chủ động ứng phó với các sự cố xảy ra tại các công trình thủy lợi trên địa bàn.