Đang được giao quản lý vài chục héc - ta đất và khối tài sản lên đến hàng tỷ đồng nhưng các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ Công Thương đóng trên địa bàn tỉnh đều lâm vào cảnh không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, đời sống cán bộ, giáo viên rất khó khăn. Phần lớn cán bộ, giáo viên của các trường thuộc Bộ Công Thương đóng trên địa bàn tỉnh đều mong muốn sớm được sắp xếp lại tổ chức bộ máy để tránh phải giải thể nhưng còn lúng túng vì nguồn lao động dôi dư chưa biết giải quyết như thế nào? Các khoản nợ do đầu tư trước đây quyết toán ra sao...?
Các trường cao đẳng hiện còn thuộc Bộ Công Thương đóng trên địa bàn tỉnh, gồm: Cao đẳng Cơ khí - Luyện kim; Cao đẳng Công nghiệp; Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức; Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp; Cao đẳng Thương mại và Du lịch; Cao đẳng Công Thương Thái Nguyên. Tổng diện tích mặt bằng của 6 trường này đang quản lý, sử dụng là 56,488ha, với trên 1 nghìn cán bộ, giảng viên nhưng không phát huy được hiệu quả vì không tuyển sinh đủ chỉ tiêu hàng năm…
Theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, các trường thuộc Bộ Công Thương đóng trên địa bàn tỉnh được đào tạo tổng số 173 ngành nghề, khả năng tuyển sinh 13.775 học sinh, sinh viên/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, phần lớn các trường đều gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, đặc biệt số lượng tuyển sinh trình độ cao đẳng giảm rõ rệt nên phải cử cán bộ đi các tỉnh miền núi dạy nghề miễn phí, cắt giảm lao động. Thiếu việc làm, thu nhập không ổn định nên nhiều cán bộ, giáo viên của 6 trường thuộc Bộ Công Thương đóng trên địa bàn tỉnh đã xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc. Đơn cử như trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp đóng tại T.X Phổ Yên phải nhận hợp đồng thi công công trình rồi cắt cử cán bộ đi làm việc ở tỉnh khác.
Trước đó, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Việt Bắc TKV đóng tại xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) đã buộc phải thu nhỏ quy mô thành Phân hiệu đào tạo Việt Bắc trực thuộc Trường Cao đẳng Nghề than khoáng sản Việt Nam. Trường Cao đẳng Cơ khí - Luyện kim có gần 300 cán bộ, giáo viên với cơ sở vật khá đồ sộ, thiết bị dạy học hiện đại nhưng chỉ có số ít sinh viên học tại cơ sở chính ở phường Lương Sơn (T.P Sông Công).
Để được Bộ Công Thương cấp quỹ lương cho số biên chế hiện có, Trường Cao đẳng Cơ khí - Luyện kim Thái Nguyên phải cử cán bộ, giảng viên đi các tỉnh miền núi, như: Lào Cai, Lạng Sơn dạy nghề (một số nghề phổ thông dạy miễn phí). Các cơ sở đào tạo khác những năm trở đây cũng chỉ tuyển sinh được từ 10% đến 30% chỉ tiêu đối với hệ cao đẳng, hệ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp tuyển sinh được rất ít (có chuyên ngành không có học sinh nào đăng ký xét tuyển). Tuyển sinh không đủ chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương giao nên phần đông cán bộ, giảng viên đang công tác tại các trường này rất khó khăn về việc làm, thu nhập. Một số cán bộ có trình độ chuyên môn đã chuyển chỗ làm, số còn lại hoang mang, thiếu niềm tin vào sự phát triển của các đơn vị...
Trước thực trạng nêu trên, Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát, đánh giá và chính thức có văn bản đề nghị với các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Thái Nguyên cho ý kiến về việc xây dựng Đề án tái cơ cấu để thành lập Đại học Công Thương Thái Nguyên trên cơ sở sáp nhập 4 trường cao đẳng hiện có (Công nghiệp Việt Đức, Công nghiệp Thái Nguyên, Công nghệ và Kỹ thuật công nghiệp, Cơ khí - Luyện kim). Các đầu mối còn lại tiếp tục theo chức năng, nhiệm vụ nhưng trên cơ sở thu gọn bộ máy, giảm bớt những ngành nghề trùng lặp để đầu tư dạy nghề chuyên sâu, có lợi thế để đáp ứng nhu cầu của xã hội đang cần.
Chủ trương thành lập Đại học Công Thương Thái Nguyên đến nay vẫn chưa thực hiện được vì vừa qua Chính phủ hạn chế việc mở thêm trường đại học mới. Việc sáp nhập một số trường đào tạo nghề, trường chuyên nghiệp còn lại thuộc Bộ Công Thương cũng nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn do số cán bộ, giảng viên dôi dư (trên 300 người) không biết bố trí, sắp xếp ra sao; các khoản nợ đầu tư xây dựng, mua sắm trước đây của nhiều trường chưa thanh toán, xử lý dứt điểm; ban lãnh đạo một số cơ sở đào tạo chưa có sự thống nhất cao về chủ trương sáp nhập.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy trong năm học 2018-2019 các trường thuộc Bộ Công Thương đóng trên địa bàn tỉnh đều khó khăn do tuyển sinh không đủ chỉ tiêu được giao và năm học 2019-2020 cũng khó có sự đột phá. Như vậy kéo dài mãi tình trạng này sẽ lãng phí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nguồn vốn đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Do vậy, việc tái cơ cấu các trường của Bộ Công Thương nằm trên địa bàn tỉnh là việc làm cần thiết và cấp bách. Tái cơ cấu thành công cũng sẽ khắc phục được tình trạng mất cân đối về mật độ phân bố các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; chấm dứt tình trạng trùng lặp nghề đào tạo của các trường thuộc Bộ và bất cập về cơ cấu trình độ đào tạo.
Tại buổi làm việc đoàn cán bộ của Bộ Công Thương trong tháng 4 vừa qua, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung sắp xếp các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn tỉnh, như: Bộ cần có các phương án tổ chức sắp xếp lại các trường trước khi sáp nhập và bàn giao theo chỉ đạo của Chính phủ; khi thực hiện việc sắp xếp đối với các trường về cơ bản vẫn phải đảm bảo được quy mô đào tạo và ngành nghề đào tạo; đồng thời xem xét các trường nếu đủ điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ để xã hội hóa.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Từ nay đến năm 2020, Bộ Công Thương quyết tâm sắp xếp các cơ sở giáo dục trực thuộc đóng trên địa bàn tỉnh. Bộ Công thương cũng đề nghị UBND tỉnh thông tin về việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn và các phương án tổ chức sắp xếp lại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Từ đó, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu có kế hoạch cụ thể để sắp xếp lại bộ máy tổ chức của các trường để thống nhất với UBND tỉnh bằng văn bản trong thời gian sớm nhất. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề xuất phương án sau sắp xếp lại các cơ sở giáo dục trực thuộc, trên cơ sở các quy định của pháp luật có thể chuyển giao về cho địa phương quản lý nếu thấy phù hợp và khả năng vận hành...