Xác định giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, T.P Thái Nguyên đã tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả công tác này. Từ đó góp phần củng cố niềm tin của xã hội, tăng cường sự gắn bó giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân.
Thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, hàng năm, Ủy ban MTTQ T.P Thái Nguyên và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp giám sát, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và tổ chức thực hiện có hiệu quả với các hình thức giám sát theo quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai thực hiện, Mặt trận các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội đã bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh, đồng thời có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.
Đồng chí Hoàng Thị Minh Thu, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ T.P Thái Nguyên thông tin: Thời gian qua, MTTQ thành phố đã tập trung giám sát các lĩnh vực mà người dân quan tâm, phát huy vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Ví dụ như, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức giám sát về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (chuyên đề về vận động, thu nộp, quản lý, sử dụng các loại quỹ và các khoản nhân dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng của các phường, xã trên địa bàn). Qua giám sát, đoàn công tác đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện các nhiệm vụ ở một số địa phương chưa thường xuyên. Việc sơ kết rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện chưa được tiến hành theo định kỳ. Một số địa phương triển khai chưa nghiêm túc, thực hiện công khai chưa kịp thời; chưa thực hiện tốt việc lưu giữ tài liệu, hồ sơ liên quan…
Ở cấp xã, phường, trong 5 năm (2014-2018), Ủy ban MTTQ các xã, phường đã tổ chức được 264 cuộc giám sát, nội dung chủ yếu là: Giám sát về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; việc vận động, thu nộp, quản lý, sử dụng các loại quỹ và các khoản nhân dân đóng góp; việc thực hiện công tác xã hội hóa của các nhà trường; việc tuyển sinh đầu năm học của các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn; việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn... Ông Hà Công Lịch, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quyết Thắng cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội ở địa phương, Ủy ban MTTQ đã thống nhất với Đảng ủy, UBND và các đoàn thể chính trị - xã hội của xã về nội dung, hình thức, thời gian giám sát. Từ đó, kế hoạch giám sát được xây dựng cụ thể, khoa học. Đặc biệt, sau khi giám sát, Ủy ban MTTQ xã theo dõi chặt chẽ quá trình khắc phục, sửa chữa những nhắc nhở, kiến nghị và công khai những nội dung đã được khắc phục để người dân được biết. Nhờ công khai, minh bạch, công tác giám sát, phản biện xã hội nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Về công tác phản biện xã hội, trong giai đoạn 2014-2018, Ủy ban MTTQ T.P Thái Nguyên tham gia vào dự thảo khi xây dựng Đề án xây dựng tuyến phố văn minh đô thị giai đoạn 2014-2016 và Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố; phối hợp với Thường trực HĐND, các ban của HĐND Thành phố thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình các kỳ họp của HĐND Thành phố khóa XVII và XVIII; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Bộ luật Hình sự (sửa đổi)… Trong 5 năm, Ủy ban MTTQ các xã, phường đã tổ chức được 118 hội nghị phản biện xã hội. Thông qua hoạt động phản biện xã hội, các cơ quan soạn thảo văn bản đã thu thập được ý kiến để kịp thời điều chỉnh các văn bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn của đơn vị, địa phương; đảm bảo tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của văn bản dự thảo.
Có thể khẳng định, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tại T.P Thái Nguyên đã và đang phát huy được hiệu quả thiết thực trong một số lĩnh vực được đông đảo nhân dân quan tâm. Tuy nhiên, trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội vẫn còn những hạn chế. Để đưa công tác giám sát và phản biện xã hội đi vào chiều sâu hơn nữa, trong thời gian tới, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội T.P Thái Nguyên sẽ tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, với vai trò giám sát của mình, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ và các đoàn thể với cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo để MTTQ và các đoàn thể thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo đúng các quy định hướng dẫn…