Việc triển khai Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông trên địa bàn T.P Thái Nguyên (viết tắt là Đề án sông Cầu) nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Đây là Đề án có quy mô lớn, nhằm phục vụ nhiều mục tiêu quan trọng và tác động đến nhiều người dân. Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, khách quan về Đề án, nhất là một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, Báo Thái Nguyên giới thiệu loạt bài phản ánh về vấn đề này.
Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho T.P Thái Nguyên dòng sông Cầu thơ mộng, giàu tiềm năng về nhiều mặt mà nếu không khai thác, phát huy tốt sẽ là điều đáng tiếc. Mặt khác, công tác chỉnh trị dòng sông ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết trong điều kiện thời tiết diễn biến khó lường, hệ thống đê kè ngăn lũ lại chưa hoàn chỉnh, bộc lộ nhiều hạn chế. Đây là ước vọng từ rất lâu của người dân ven sông, là sự trăn trở của các nhà quy hoạch và quản lý.
Bờ hữu sông Cầu, phía trung tâm T.P Thái Nguyên, phố phường nhộn nhịp, không gian đô thị ngày càng chật hẹp bởi những công trình xây dựng lớn nhỏ “mọc” lên không ngừng và mật độ giao thông gia tăng. Nhưng cách vùng lõi đô thị không xa, phường Túc Duyên, nhất là vùng giáp sông vẫn tồn tại những làng quê nông nghiệp thuần túy. Đường làng ngõ xóm chật hẹp, ngoằn ngoèo, xây dựng khá lộn xộn… là những điều dễ nhận thấy ở đây. Xa hơn, tại các phường giáp sông: Quang Vinh, Tân Long, Gia Sàng, Cam Giá… quang cảnh cũng không khác nhiều, có nơi còn ẩn hiện nhiều nét hoang sơ.
Bên kia sông, các xã, phường: Cao Ngạn, Đồng Bẩm, Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Liên (đều thuộc T.P Thái Nguyên) có tỷ lệ đô thị hóa rất thấp (khoảng 25%), chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên chưa phát huy tốt tiềm năng đất đai và cảnh quan sinh thái. Do vùng này chưa có đê nên vào mùa mưa lũ, nước sông Cầu dâng cao, nhiều vị trí dân cư, cây cối, hoa màu bị nhấn chìm. Nhà ông Vương Xuân Thúy, xóm Huống Trung chỉ cách sông Cầu khoảng 200m nên cứ mưa to là thấp thỏm nỗi lo ngập lụt. Theo lời ông Thúy thì mùa mưa năm nào xóm cũng bị ngập ít nhiều khiến rau màu bị hỏng, có khi cả nhà phải chạy lũ. Không riêng Huống Trung mà phần lớn trong số 10 xóm của xã Huống Thượng và một số địa phương lân cận có địa hình thấp thường bị ngập khi nước sông Cầu dâng cao. Người dân nhiều đời ở đây mong muốn có hệ thống đê kè ngăn lũ để yên tâm sinh sống…
Ông Phạm Đức Long, tổ 2, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên): “Tôi năm nay 70 tuổi và sống ở đây từ nhỏ, thỉnh thoảng lại chứng kiến một trận lụt to, nước sông Cầu dâng cao tràn vào nhà cửa, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Từ lâu chúng tôi đã mong đợi Nhà nước xây dựng hệ thống đê kè kiên cố, chắc chắn để yên tâm sinh sống. Chúng tôi rất ủng hộ và mong các dự án ở khu vực này sớm trở thành hiện thực”… |
Làm chuyên môn về quy hoạch, đã có dịp đến nhiều thành phố nổi tiếng gắn với các dòng sông, nhiều năm trước, Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên đã trăn trở, nghiên cứu, đề xuất đưa sông Cầu thành yếu tố chủ đạo trong tổ chức không gian đô thị của T.P Thái Nguyên. Ông cho biết: Sông Cầu chảy qua T.P Thái Nguyên có chiều dài khoảng 20km, độ dốc không quá lớn, ngoài chức năng cung cấp, thoát nước còn có nhiều giá trị cần được khai thác hiệu quả. Mặt khác, T.P Thái Nguyên cũng cần mở rộng không gian đô thị, biến sông Cầu thành “trục” như một điều tất yếu để phát triển theo định hướng đô thị sinh thái, hiện đại và có bản sắc. Thành phố hiện vẫn phát triển lệch về một bên sông, quay lưng ra sông, quá trình quy hoạch xây dựng đô thị từ nhiều năm trước có những khiếm khuyết nhất định. Do vậy, cần thiết phải có những dự án đầu tư quy mô, trong đó điểm nhấn là các cây cầu cứng vượt sông, nhằm khai thác tiềm năng, giá trị kinh tế, đô thị hai bờ sông Cầu mà bấy lâu nay còn bỏ ngỏ.
Trước KTS Nguyễn Văn Cường, không ít người làm chuyên môn và quản lý cũng đã quan tâm đến vấn đề này. KTS Đinh Văn Thể, nguyên Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên chia sẻ: Từ những quy hoạch ban đầu khi thành phố mới được “khai sinh”, việc phát triển đô thị hai bên bờ sông Cầu đã được tính đến tuy chưa phải là những ý tưởng rõ ràng. Nguồn lực và kỹ thuật xây dựng ở giai đoạn trước chưa cho phép chúng ta làm việc đó. Từ thực tế đòi hỏi và nay đã có những điều kiện cần và đủ, nên tôi cho rằng việc phát triển T.P Thái Nguyên hai bên bờ sông Cầu là rất cần thiết, phù hợp với khách quan và nguyện vọng của người dân…
Từ yêu cầu tất yếu đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đưa định hướng phát triển đô thị hai bên bờ sông Cầu vào Nghị quyết, sau đó được hiện thực hóa bằng Đề án sông Cầu với 9 dự án thành phần. Đây là một trong những đề án quan trọng, không chỉ đáp ứng lòng mong mỏi từ lâu của người dân địa phương mà còn đảm bảo chiến lược phát triển đô thị thành phố theo hướng bền vững. Đề án ra đời nhằm đạt nhiều mục tiêu, trong đó quan trọng nhất chính là giải bài toán chỉnh trị dòng sông Cầu, bảo đảm an toàn phòng, chống lũ lụt khu vực hai bên bờ sông thuộc địa bàn T.P Thái Nguyên và các huyện: Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình. Mục tiêu tiếp theo là thay đổi diện mạo đô thị hai bên sông, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ. Đồng thời, phát huy khả năng tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Việc hiện thực hóa chủ trương phát triển đô thị hai bờ sông Cầu gắn với chỉnh trị dòng sông thể hiện quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của người dân địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai, khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc và cả những tồn tại, hạn chế. Có thể do chủ quan hay khách quan, nhưng trước mọi vấn đề, dù được hay chưa được cũng cần có cái nhìn thực tế, đa chiều và thực sự công tâm.