Như chúng tôi đã đề cập ở kỳ trước, việc triển khai Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông (viết tắt là Đề án sông Cầu) nhằm đáp ứng nhiều mục tiêu, trong đó mục tiêu cấp thiết và quan trọng hàng đầu là chỉnh trị sông Cầu, bảo đảm an toàn phòng chống lũ lụt cho một khu vực rộng lớn, đồng thời thúc đẩy phát triển đô thị hai bên bờ sông. Từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương liên quan đã tích cực phối hợp xây dựng Đề án, thu hút nhà đầu tư để sớm hiện thực hóa những mục tiêu này. Quá trình triển khai lập Đề án, lựa chọn nhà đầu tư và các thủ tục liên quan bảo đảm quy định hiện hành.
Từ chủ trương thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020), UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan lập Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông (gọi tắt là Dự án). Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư 9.811 tỷ đồng, vốn Nhà nước thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng là 2.811 tỷ đồng (dự án nhóm A, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ).
Sau nhiều lần tham vấn, xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, đồng thời cân nhắc kỹ trên cơ sở các nguồn lực đầu tư, UBND tỉnh xác định việc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, sử dụng nguồn ngân sách Trung ương thời gian này là không khả thi. Nhằm giảm áp lực với ngân sách Trung ương, chủ động sử dụng nguồn vốn của địa phương và huy động tối đa các nguồn lực khác, trong đó có nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, các cấp, ngành liên quan đã thống nhất tham mưu để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đề xuất chuyển Dự án sông Cầu thành Đề án gồm 9 dự án thành phần (dự án nhóm B), thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư công. Theo ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, điều này đúng với các quy định hiện hành, đồng thời bảo đảm tính khả thi và nâng cao hiệu quả đầu tư do huy động được đa dạng các nguồn lực xã hội.
Việc thực hiện các bước tiếp theo để triển khai các dự án thành phần, lựa chọn nhà đầu tư cũng được UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tiến hành chặt chẽ, công khai, đúng quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, ông Lê Quang Minh cho biết: Sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án được phê duyệt, UBND tỉnh đã tổ chức sơ tuyển quốc tế, lựa chọn nhà đầu tư của 9 dự án (9 gói thầu) theo quy định của Luật Đấu thầu. Tuy có một số nhà đầu tư quan tâm đến thông tin các dự án nhưng chỉ có một nhà đầu tư tham gia sơ tuyển là Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8. UBND thành phố đã đánh giá, phê duyệt kết quả sơ tuyển và trình Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư 9 dự án theo quy định.
Như chúng tôi đã thông tin, sau khi được trao giấy chứng nhận đầu tư và bảo đảm một số thủ tục cần thiết khác, ngày 25/12/2016, nhà đầu tư bắt đầu thi công thí điểm một đoạn của dự án thuộc Đề án. Việc thi công thí điểm là do nhà đầu tư đề xuất, cam kết chịu hoàn toàn chi phí nếu chất lượng thi công không đạt yêu cầu, không được nghiệm thu theo quy định, đã được tỉnh chấp thuận. Hoạt động thi công được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ về kỹ thuật, chất lượng, khối lượng trên cơ sở hồ sơ thiết kế đã phê duyệt.
Tại sao phải tổ chức thi công thí điểm, ông Phạm Văn Sáng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần (CP) Đầu tư phát triển sông Cầu Thái Nguyên (doanh nghiệp Dự án) lý giải: Do địa tầng, địa chất khu vực ven sông Cầu khá phức tạp, không đồng đều nên chúng tôi đã đề xuất được thi công thí điểm một đoạn nhằm rút kinh nghiệm, lựa chọn biện pháp thi công, giải pháp kỹ thuật phù hợp và hiệu quả nhất để hoàn chỉnh hồ sơ cho các khu vực còn lại. Điều này là cần thiết đối với việc triển khai những dự án quy mô lớn, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Chúng tôi đã có văn bản cam kết với UBND tỉnh về việc sẽ chịu hoàn toàn chi phí nếu chất lượng thi công thí điểm không đạt yêu cầu...
Như vậy, có thể nói việc triển khai Đề án sông Cầu nhận được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan cùng với nhà đầu tư nhằm cụ thể hóa một chủ trương quan trọng, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân trong khu vực. Việc thu hút được nhà đầu tư triển khai Đề án lớn này là một kết quả đáng kể trong thu hút đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên, hiện việc triển khai Đề án đang bị chậm do gặp một số vướng mắc, khó khăn. Vậy những vướng mắc đó là gì, do đâu, sẽ được tháo gỡ ra sao, triển vọng và kế hoạch triển khai Đề án trong thời gian tới như thế nào, công tác bảo đảm an toàn đê điều trong khu vực Đề án…? Những vấn đề này sẽ được chúng tôi phân tích ở bài viết sau.
Các dự án thành phần thuộc Đề án sông Cầu
|