Sự cần thiết của việc triển khai Đề án sông Cầu là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, hiện Đề án đang bị chậm tiến độ khiến dư luận quan tâm đặt ra câu hỏi về nguyên nhân chậm và việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc như thế nào để Đề án sớm được hiện thực hóa…
Theo thông tin từ cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án sông Cầu - Sở Xây dựng, cơ bản các thủ tục liên quan đến triển khai Đề án đã hoàn thành như: Chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất các dự án thành phần, quyết định chủ trương đầu tư; thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (khi chưa phải điều chỉnh theo các quy hoạch phát sinh); lựa chọn nhà đầu tư, ký kết thỏa thuận đầu tư; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án, ký kết hợp đồng BT một số dự án thành phần. Những thủ tục này được thực hiện trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các các quy định hiện hành, đảm bảo tính pháp lý. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ một số dự án thuộc Đề án cũng đã được T.P Thái Nguyên triển khai theo đúng quy định.
Sau khi được sự chấp thuận của tỉnh và đảm bảo một số thủ tục cần thiết khác, nhà đầu tư là Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 triển khai thi công thí điểm một đoạn của Dự án số 1 nhằm rút kinh nghiệm để tìm giải pháp kỹ thuật phù hợp nhất. Giai đoạn đầu, tiến độ thi công thí điểm khoảng 300 mét đê bờ hữu sông Cầu được nhà đầu tư triển khai khá nhanh. Một số hạng mục đã hoàn thiện được đánh giá cao về mỹ quan, giao thông và đáp ứng yêu cầu phòng, chống lũ. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, việc thi công của nhà đầu tư phải tạm dừng để chờ phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi. Ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với các quy hoạch phát sinh. Trong đó có các quy hoạch quan trọng là: Điều chỉnh quy hoạch chung T.P Thái Nguyên đến năm 2035; Điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ lụt và quy hoạch đê điều. Quá trình này phải qua nhiều thủ tục và các bước theo quy định nên mất khá nhiều thời gian.
Như vậy, nguyên nhân chính khiến việc triển khai Đề án sông Cầu bị chậm là do báo cáo nghiên cứu khả thi buộc phải điều chỉnh theo các quy hoạch phát sinh. Ngoài ra, hiện nay mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) còn mới, các văn bản hướng dẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, nhất là chưa có hướng dẫn cụ thể về hình thức giao đất để thanh toán cho nhà đầu tư dẫn đến việc hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ mất nhiều thời gian. Về điều này, ông Hoàng Đức Khánh cho biết thêm: Từ sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, các ngành chức năng đang tập trung thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh để sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm căn cứ để tiếp tục triển khai các dự án theo quy định...
Theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, ở những khu vực đang tạm dừng thi công, nhà đầu tư vẫn bố trí nhiều trang thiết bị, vật tư, máy móc ứng trực. Một số đoạn tường kè chắn sóng và đê cũ đã bị cắt xẻ để phục vụ thi công đã được nhà đầu tư vá lấp lại cẩn thận. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển sông Cầu Thái Nguyên (doanh nghiệp dự án), ông Phạm Văn Sáng cho hay: Việc tạm dừng thi công, tập kết máy móc thiết bị như vậy gây lãng phí, thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp nhưng chúng tôi chấp nhận thiệt hại bởi hai lý do. Thứ nhất là ứng trực để kịp thời giải quyết những tình huống xấu, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Thứ hai, sẵn sàng thi công khi được phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi và bản vẽ thiết kế thi công. Nếu chỉ tính bài toán kinh tế thiệt hơn trước mắt, chúng tôi đã có phương án khác.
Được biết, để đảm bảo an toàn đê điều khu vực này, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, yêu cầu nhà đầu tư xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trình cấp có thẩm quyền thông qua trước mùa mưa bão hàng năm. Trước khi cắt xẻ đê và lấp vá trong quá trình thi công, nhà đầu tư đã có văn bản và được cơ quan chức năng cho phép, đồng thời có bản cam kết thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ phòng chống thiên tai trong thời gian thi công.
Việc triển khai Đề án sông Cầu đến nay vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ. Một đề án có quy mô vốn lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, triển khai trong giai đoạn các quy hoạch quan trọng có sự điều chỉnh, mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư còn mới, các văn bản hướng dẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, thì việc gặp những khó khăn, vướng mắc về thủ tục cũng là điều dễ hiểu. Nhưng dù do nguyên nhân khách quan hay chủ quan thì các cấp, ngành liên quan và nhà đầu tư cũng cần vào cuộc tích cực, trách nhiệm hơn nữa để cùng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ. Mục đích cuối cùng là thúc đẩy Đề án, sớm thiện thực hóa các mục tiêu, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân. Thiết nghĩ, việc triển khai Đề án sông Cầu hay như bất cứ công trình, dự án nào cũng rất cần sự đồng thuận của xã hội, đồng thuận trên cơ sở nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, khách quan, vì những mục tiêu chung và lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi Thái Nguyên (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh): Nhà đầu tư các dự án thuộc Đề án sông Cầu đã xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phòng, chống lụt bão tại khu vực thi công thí điểm. Các cấp, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện đầy đủ phương án, đảm bảo an toàn phòng chống lụt bão theo quy định. |
Ông Phạm Văn Sáng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển sông Cầu Thái Nguyên (doanh nghiệp Dự án): Chúng tôi mong sớm hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi và bản vẽ thiết kế thi công để tiếp tục thi công các dự án. Đồng thời luôn sẵn sàng nhân lực, vật lực, lập kế hoạch thi công khi đủ điều kiện. |