Nỗ lực vượt khó trong sản xuất nông nghiệp

06:36, 08/07/2019

Năm 2019, việc triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến bất thường, không theo quy luật. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, lây lan rộng gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị sản xuất nông nghiệp. Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp - PTNT đã kịp thời tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp dập dịch; đồng thời có phương án để bù đắp phần thiếu hụt về giá trị sản xuất từ chăn nuôi lợn… Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT.

P.V: Trước hết, xin ông cho biết khái quát về mục tiêu, kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2019 và những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm?

Ông Phạm Văn Sỹ: Năm 2019, tỉnh ta phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (giá so sánh năm 2010) tăng 4%. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,7%; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 5,5% và giá trị sản xuất thủy sản tăng 10%. 6 tháng đầu năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, do có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của Sở Nông nghiệp - PTNT, chính quyền các địa phương và bà con nông dân, tỉnh ta vẫn đạt được một số kết quả khả quan. Cụ thể: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt trên 7.000 tỷ đồng, bằng 51,7% kế hoạch năm và tăng 3,34% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 6.560 tỷ đồng; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 261 tỷ đồng và giá trị sản xuất thủy sản đạt 183 tỷ đồng.

P.V: Vậy trong những tháng cuối năm, khó khăn, thách thức mà ngành Nông nghiệp tỉnh phải đối mặt là gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Sỹ: Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước vẫn đang có diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đặc biệt, dịch bệnh nguy hiểm ở chỗ hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị. Trên địa bàn tỉnh ta, tính đến ngày 5-7, đã có hơn 100.000 con lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc tiêu hủy là trên 6.400 tấn, chiếm 15,3% tổng đàn. Ở một số địa phương trong tỉnh, dịch đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn chết. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh vẫn có khả năng tiếp tục phát sinh và gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành.

Như chúng ta biết, giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng toàn tỉnh đạt trên 6.560 tỷ đồng thì giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm tới hơn 3.154 tỷ đồng. Và trong giá trị sản xuất chăn nuôi thì chăn nuôi lợn chiếm tỷ trọng 40,9%, đạt hơn 1.290 tỷ đồng, giảm 2,85% so với cùng kỳ. Với kết quả như trên, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm là tăng 4% thì giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng cuối năm 2019 phải đạt trên 6.536 tỷ đồng; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp phải đạt trên 6.050 tỷ đồng. Trong khi dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được khống chế thì việc hoàn thành chỉ tiêu này là hết sức khó khăn.

P.V: Giải pháp để khắc phục khó khăn đã được ngành Nông nghiệp triển khai như thế nào thưa ông?

Ông Phạm Văn Sỹ: Để chủ động khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhằm bù đắp giá trị sản xuất chăn nuôi và giảm bớt khó khăn cho nhân dân, Sở Nông nghiệp - PTNT đã có phương án tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng cuối năm 2019 để báo cáo UBND tỉnh các giải pháp triển khai thực hiện. Cùng với đó, Sở cũng đã có văn bản triển khai, đôn đốc các đơn vị trực thuộc và đề nghị các huyện, thành, thị ủy quan tâm phối hợp chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau.

Cụ thể, đối với lĩnh vực chăn nuôi: Trước hết, cần kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp dập dịch tả lợn châu Phi, góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng khuyến khích tăng quy mô đàn gia cầm, thủy cầm để đảm bảo cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng, góp phần tăng sản lượng và giá trị sản xuất chăn nuôi, bù đắp một phần thiếu hụt do giảm sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng. Toàn tỉnh phấn đấu tăng thêm 700 nghìn con gà, vịt các loại trở lên so với tổng đàn hiện nay, tương ứng tăng thêm được 65,2 tỷ đồng (giá cố định năm 2010).

Đối với lĩnh vực trồng trọt: Tập trung chỉ đạo tăng diện tích gieo trồng các loại cây hằng năm trong vụ mùa. Cụ thể, tập trung gieo cấy hết diện tích nằm trong quy hoạch và diện tích chưa chuyển đổi, phấn đấu diện tích gieo cấy đạt trên 40.200ha trở lên, phấn đấu sản lượng đạt trên 213 nghìn tấn, tăng so với kế hoạch 7.660 tấn, tăng thêm 38,7 tỷ đồng (giá cố định năm 2010). Đối với cây rau, phấn đấu hoàn thành vượt mức diện tích gieo trồng đạt trên 3.180ha trở lên, tăng cường sử dụng giống rau ngắn ngày, rau trái vụ để tăng số lứa thu hoạch trên một đơn vị diện tích; phấn đấu năng suất rau đạt bình quân 162 tạ/ha trở lên. Như vậy, sản lượng rau các loại tăng thêm 516 tấn so với kế hoạch, tăng thêm 2,5 tỷ đồng (theo giá cố định năm 2010). Đối với cây chè, toàn tỉnh phấn đấu năng suất chè búp tươi bình quân đạt 120 tạ/ha trở lên, sản lượng chè búp tươi tăng thêm hơn 3.960 tấn so với kế hoạch, tăng thêm 12,9 tỷ đồng (giá cố định năm 2010).

Trong lĩnh vực lâm nghiệp: Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, tiêu thụ gỗ và lâm sản, phấn đấu sản lượng khai thác gỗ rừng trồng cả năm đạt 195.000m3 trở lên, sản lượng tăng thêm 8.500m3, tăng thêm 13,5 tỷ đồng (theo giá cố định năm 2010).Còn đối với lĩnh vực thủy sản: Khuyến khích đầu tư tăng diện tích nuôi thâm canh đối với ao gia đình bằng các loại giống có năng suất và giá trị kinh tế cao như rô phi đơn tính (giống mới); đẩy mạnh phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; phấn đấu sản lượng thủy sản tăng thêm 470 tấn trở lên so với kế hoạch được giao, tương đương tăng thêm 14,1 tỷ đồng (theo giá cố định năm 2010).

Như vậy, bằng các giải pháp như: Tăng quy mô sản xuất đàn gia cầm, thủy cầm; tăng diện tích và sản lượng lúa; tăng sản lượng chè, rau; tăng sản lượng khai thác gỗ rừng trồng và tăng sản lượng thủy sản, dự kiến, 6 tháng cuối năm, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản sẽ tăng thêm tối đa được 146,9 tỷ đồng để bù đắp cho phần thiếu hụt giá trị sản xuất chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở phần trên, trong khi dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được khống chế, dự báo đàn lợn và sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm, ảnh ưởng lớn đến chỉ tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi và tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nên việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm của ngành là rất khó khăn. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc tích cực của ngành Nông nghiệp rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành và các địa phương trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn.