Đêm 14-8, chỉ chưa đầy 6 tháng sau vụ hơn 1 tấn cá bị chết, gia đình ông Nguyễn Hữu Hoàn ở xóm Bình Định, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình lại chịu thiệt hại lớn về kinh tế khi gần 6 tấn cá bố mẹ bị chết hàng loạt sau khi dẫn nước từ sông Đào vào ao nhà. Việc nước sông Đào có màu đỏ đục, nhiều bùn trong nhiều tháng qua khiến người dân hoang mang, lo lắng, nghi ngờ đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Ông Nguyễn Hữu Hoàn, chủ hộ chăn nuôi cá cho biết: Vừa qua, đơn vị quản lý kênh sông Đào có thông báo lịch đóng nước trong 11 ngày nhưng phải đến ngày thứ 16 mới mở nước. Vì biết nước sông Đào bị đục nên gia đình tôi đã đợi đến ngày thứ 18 (tức là vào đêm 14-8) mới dẫn nước vào ao, nhưng liền ngay sau đó, thì tôi thấy cá nhao nhao lên khỏi mặt nước rồi chết hàng loạt, ngay trong đêm chúng tôi phải huy động thêm người đến để vớt cá. Nhiều ngày qua thời tiết có nắng nóng kéo dài nhưng gia đình tôi cũng đã sử dụng quạt nước liên tục, có cắm máy sục khi dẫn nước vào ao. Gia đình tôi nuôi cá hơn 20 năm nay nhưng chỉ từ khoảng tháng 8 năm 2018 trở về đây (khi nước sông Đào bị đục đỏ) mới gặp hiện tượng cá chết nhiều, tháng 3 đầu năm, nhà tôi đã bị chết trên 1 tấn cá, hiện vẫn còn nợ công ty cung cấp thức ăn cho cá gần 1 tỷ đồng. Lần này, gia đình tôi bị thiệt hại nặng nhất, toàn bộ phần ao diện tích trên 1.800m2 nuôi trên 1.200 con cá trắm bố mẹ (trọng lượng trung bình 5kg/con) đã bị chết. Hơn 4-5 năm chăn nuôi gây dựng đàn cá trắm bố mẹ với chi phí nuôi trung bình 1 triệu đồng/con giờ bỗng dưng bị mất trắng… Nước sông Đào có màu đục trong thời gian ngắn như vậy, chúng tôi nghi có nguồn chất bẩn nào đó xả chảy vào dòng sông. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, xác định nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt, có biện pháp xử lý nguồn nước sông Đào để bà con nhân dân yên tâm sản xuất, nếu xác minh được nguyên nhân, nguồn gây ô nhiễm thì cần làm rõ trách nhiệm, có mức hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho người dân chúng tôi.
Một góc khu ao nuôi cá của gia đình ông Nguyễn Hữu Hoàn, xóm Bình Định, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình.
Bà Dương Thị Sâm, Trưởng xóm Bình Định cho hay: Ở xóm tôi có nhiều hộ chăn nuôi thủy sản, trong đó có 4 hộ nuôi cá bố mẹ như gia đình anh Hoàn. Tính riêng trong năm nay đã xảy ra 2 đợt cá bị chết, đầu năm nay, hộ ông Tạ Đình Khương cũng bị chết 6 tạ cá trắm con nuôi ở ruộng. Do các hộ nuôi cá ở đây hầu hết đều phải lấy nước từ sông Đào, vì vậy, ngoài việc tìm ra nguyên nhân, chúng tôi cũng mong đơn vị vận hành, quản lý sông Đào cần có lịch đóng, cấp nước rõ ràng và không nên đóng nước vào mùa nắng nóng, để những người chăn nuôi thủy sản không gặp khó.
Ngay trong sáng 15-8, sau khi nhận được thông tin, đoàn công tác của Chi cục Thủy sản tỉnh, cùng đại diện các phòng chức năng của huyện Phú Bình, gồm: Tài nguyên và môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và chính quyền địa phương đã có mặt tại gia đình ông Hoàn để tìm hiểu sự việc. Qua kiểm tra cho thấy, cá không bị trùng mỏ neo, quan sát bên ngoài mang cá có nhiều dịch nhày có biểu hiện của ngạt khí… mực nước trong ao sâu 1,5 mét, nguồn nước dẫn từ sông Đào có màu đỏ đục. Chị Nguyễn Thu Hà, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Hiện tại khi chưa xác định rõ được nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt tại ao nhà anh Hoàn, trong thời điểm nắng nóng kéo dài như thế này, chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi thủy sản cần cẩn trọng, chú ý khâu chăm sóc. Trong đó, cần giảm lượng thức ăn tinh và thô; trước khi cho ăn nên sử dụng quạt nước trong ao từ 30-50 phút; vào thời gian từ 14-17 giờ và 2-5 giờ sáng, mức ô-xy trong ao suy giảm, cần bổ sung ô-xy cho cá bằng cách sử dụng quạt nước và bình sục máy bơm nước…
Trước những khó khăn và thiệt hại về kinh tế của người chăn nuôi thủy sản xóm Bình Định (Kha Sơn), mong rằng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm ra nguyên nhân, để từ đó giúp người dân yên tâm sản xuất.
Sông Đào (còn gọi là kênh Chính) thuộc Hệ thống thủy nông sông Cầu, do Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Nam Sông Thương tỉnh Bắc Giang quản lý, khai thác và vận hành. Sông dài khoảng 27 km, điểm đầu từ đập thác Huống, xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên) đi qua các xã của huyện Phú Bình gồm: Bàn Đạt, Bảo Lý, Đào Xá, Xuân Phương, Thị trấn Hương Sơn, Tân Đức, Thanh Ninh, Lương Phú, Kha Sơn, điểm cuối thuộc địa phận huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang). Sông Đào được cấp nước từ 2 nguồn chính: Hệ thống sông Cầu chảy từ tỉnh Bắc Kạn về và hệ thống ngòi tiêu, chảy ra từ thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ). |