“Qua Đu, tới Đuổm, lên Trào/Rẽ qua phố Ngữ thì vào Chợ Chu” Tôi đã không đi hết lộ trình trong câu ca dao, mà dừng lại ở ngã ba Trào, xã Yên Đổ (Phú Lương) - vùng đất nửa đồng, nửa núi từng chứng kiến bao sự đổi thay đời người. Ông Nguyễn Đức Lợi, Chi Hội Trưởng Người cao tuổi ở xóm Làng nói rủ rỉ: Hồi 9 năm kháng chiến (1945-1954), vùng đất này được ví như “lá chắn”, bảo vệ căn cứ địa cách mạng ATK Định Hoá. Rồi từ ngày hòa bình lập lại đến nay, người Yên Đổ lớp sau theo lớp trước cùng kiến thiết, tạo dựng nên sức sống mới ở vùng đất ngã ba Trào.
Để tôi hình dung đầy đủ hơn về vùng đất này, ông Lương Văn Quý, Phó Trưởng Công an xã “vẽ tay” vào khoảng không thành đường tròn 180 độ, nói: Ngã ba Trào nằm ở địa bàn xã bởi điểm giao giữa Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Bắc Kạn và Quốc lộ 3B Yên Đổ - Định Hoá. 17 xóm thuộc xã Yên Đổ hầu hết nằm bên các trục đường lên Bắc Kạn, vào Định Hoá hoặc về Thái Nguyên.
Từ ngã ba Trào, chúng tôi về các xóm: Khe Nác, Trung, Hin, Hạ, Gốc Vải, Đá Mài, Đồng Chừa và xóm Ao Then… những đường đất chật trội, lầy lội ngày nào chỉ còn là kỷ niệm của một thời gian khó. Bởi đường ấy, đất ấy được mở rộng, nắn thẳng, đổ bê tông nhờ nhân dân đóng góp công, của cùng Nhà nước xây dựng. Việc vận chuyển nông, lâm sản sau thu hoạch, hoặc mang về chợ bán trở nên giản đơn. Chúng tôi biết: Để vùng đất ngã ba Trào có một diện mạo mới như hôm nay, người dân xã Yên Đổ phải đổi bằng rất nhiều mồ hôi, công sức và tiền của.
Khoảng 10 năm gần đây, xã huy động hơn 80 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, như làm đường bê tông; nâng cấp hồ đập trữ nước phục vụ sản xuất; xây dựng, sửa chữa nhà văn hoá xóm. Đến nay 100% xóm có nhà văn hóa, sân thể thao đạt chuẩn theo quy định. Ông Nguyễn Văn Quỳnh, công chức văn hóa - xã hội tự hào: Từ phát huy có hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân được biết, được bàn, được làm, được giám sát, kiểm tra nên tin tưởng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo và chính quyền địa phương. Và khi dân đã tin, đã đồng thuận thì việc khó cũng dễ dàng triển khai thực hiện thành công. Điển hình trong xây dựng nông thôn mới, trong những năm gần đây, toàn xã có 450 hộ tự nguyện hiến hơn 105 nghìn m2 đất, nhiều hộ hiến từ 1.000 m2 đất trở lên. Ngoài hiến đất, nhân dân còn tham gia gần 2.000 ngày công lao động để phá dỡ tường rào, chặt hạ cây lâu năm để giải phóng mặt bằng xây dựng nhà văn hoá, mở rộng đường bê tông xóm.
Từ gần 15 năm trước, bằng cách “lựa cơm gắp mắm”, người dân xã Yên Đổ đã đóng góp xây dựng được nhà văn hoá làm nơi hội họp. Nhưng khi áp theo chuẩn bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thì hầu hết nhà văn hoá xóm đều chưa đạt, đành phải dỡ bỏ, xây mới hoặc sửa chữa nâng cấp. Ông Trần Văn Thông, Chủ tịch UBND xã cho biết: 5 xóm xây lại nhà văn hoá là: Cây Khế, Khe Thương, xóm Làng, xóm Thượng và xóm Trào. 12 xóm còn lại thực hiện sửa chữa nhà văn hoá. Tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho xây mới và sửa chữa nhà văn hoá xóm là 915 triệu đồng, nhân dân đóng góp thêm gần 3 tỷ đồng.
Đến nhà văn hoá xóm Trào, chúng tôi được đồng chí Đinh Thị Vân, Bí thư chi bộ cho biết: Diện tích đất được quy hoạch làm khu văn hóa của xóm rộng 1.150m2, trong đó nhà văn hóa được xây dựng trên diện tích 145,2m2, còn lại là diện tích trồng hoa, cây bóng mát và sân chơi thể thao. Có mặt ở đó, bà Phạm Thị Mười, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm cho biết: Từ ngày có nhà văn hóa mới, bà con trong xóm có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kỹ năng gìn giữ hạnh phúc, nuôi dạy con cháu và kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.
Hỏi bí quyết làm chuyển đổi một vùng quê nghèo như Yên Đổ được trở lên tươi mới như hôm nay, các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã tâm đắc: Do Yên Đổ phát huy được sức mạnh đoàn kết và huy động được nguồn lực từ nhân dân, nên những năm gần đây, xã liên tục hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội huyện giao. Điển hình là việc huy động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Nhưng để huy động được sức dân, các đồng chí cán bộ, đảng viên luôn gần gũi, tìm hiểu, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, để từ đó có giải pháp thực hiện phù hợp theo quy định của pháp luật. Như trong phát triển kinh tế gia đình, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức hội nghị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho người dân. Riêng năm 2018, xã tổ chức 7 hội nghị về sản xuất an toàn, với gần 300 lượt người tham gia; phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Thái Nguyên tổ chức 2 lớp sơ cấp tin học văn phòng cho 44 học viên; tổ chức 3 lớp sơ cấp nghề về nuôi trồng thủy sản, trồng rau an toàn và sửa chữa máy nông nghiệp cho gần 100 người. Nhờ đó, năng suất, sản lượng cây trồng các loại từng bước nâng cao.
Ông Cao Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Yên Đổ có tổng diện tích đất gieo cấy lúa cả năm gần 422 ha, năng suất đạt hơn 53 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 2.236 tấn/năm. Thóc chỉ đủ nuôi người, nên bà con tận dụng đất gò, bãi trồng thêm các loại cây màu như ngô, lạc, đậu đỗ, sắn phục vụ cho chăn nuôi. Đặc biệt là cây chè, những năm gần đây đã mang lại cho nông dân trong xã nguồn thu đáng kể. Hiện toàn xã có hơn 90 ha chè, trong đó có 87 ha đang trong thời kỳ cho thu hái, với sản lượng đạt 913 tấn/năm. Để hướng tới xây dựng thương hiệu chè Yên Đổ, từ tháng 7-2018, xã thành lập Hợp tác xã Nông sản an toàn Yên Đổ, với 43 thành viên. Hợp tác xã đăng ký kinh doanh 11 ngành nghề khác nhau, trong đó có tổ sản xuất chè an toàn. Có mặt ở đó, bà Hoàng Thị Thùy Linh, thành viên Tổ sản xuất chè xóm Trung cho biết: Gia đình tôi có 10 sào chè giống LDP1 và giống Kim Tuyên, thu hái được gần 900kg chè búp tươi/lứa. Vào tổ hợp tác, mọi việc làm đều có sổ ghi chép nhật ký, bận rộn hơn nhưng chúng tôi làm ra chè an toàn, giá bán cao hơn so với cách làm trước đây khoảng 20.000 đồng/kg chè khô.
Ngã ba Trào đang thay da đổi thịt từng ngày, với những nhà xây san sát bên từng trục đường bê tông, có nhiều loài hoa khoe sắc dọc bên đường nông thôn mới. Để bao du khách qua đây, dừng chân bên ngã ba Trào, hít một hơi thở dài nhẹ nhõm, sảng khoái vì không khí trong lành mẹ thiên nhiên ban tặng.