​Để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão

12:54, 18/08/2019

Võ Nhai là huyện có địa hình đồi núi phức tạp, độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều khe lạch, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, đá ở các tuyến đường. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm cứu nạn (PCTT&TKCN) cấp huyện, xã trên địa bàn đã chủ động xây dựng phương án đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường...

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, hệ thống giao thông của Võ Nhai đi các xã chủ yếu qua chân sườn núi đất, núi đá, nhiều đoạn một bên là núi, một bên là sông, suối. Vào mùa mưa, các tuyến đường này thường bị ngập úng, sạt lở đất, đá, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Cùng với đó, trên địa bàn cũng có 81 ngầm chưa được xây dựng kiên cố. Năm nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, taluy âm, taluy dương các tuyến đường ở các xóm: Bản Chương, Na Lay, Khuổi Chạo, Bản Chấu, Khuổi Mèo, Phú Cốc (xã Sảng Mộc) và tuyến đường từ UBND xã Nghinh Tường đi xóm Thượng Lương cũng xảy ra sạt lở nghiêm trọng gây khó khăn cho xe cơ giới đi lại.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng trong công tác PCTT&TKCN, ngay từ đầu năm, UBND huyện Võ nhai đã ban hành các chỉ thị, phương án, phòng, chống thiên tai để kịp thời ứng phó khi tình huống xấu có thể xảy ra. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, trường học, UBND các xã, thị trấn lập kế hoạch, phương án phòng chống lụt bão, sạt lở đất, đá và khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cho biết: Nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra, huyện đã xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai (từ ngày 15 đến 22-5) năm 2019 có chủ đề: "Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng" với hoạt động cụ thể, thiết thực. Cùng với đó, huyện cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn xây dựng và thực hiện nghiêm các phương án PCTT&TKCN...

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, trước mùa bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, các xã, thị trấn đã huy động nhân lực nạo vét cống, rãnh thoát nước, vá ổ gà, xử lý những vũng đọng nước và phát quang cây, cỏ dại che khuất tầm nhìn trên các tuyến giao thông... Các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đã chuẩn bị: 6.670 bao tải, 800m2 bạt dứa, 5 nhà bạt (16m2/nhà), 300 dây thừng, 515 phao cứu sinh, 228 áo phao cứu sinh, 13 đầm gang, 100 chiếc cuốc, 80 chiếc xẻng, 37 xà beng, 20 bộ cọc tiêu đa năng, 1 xuồng máy, 1 máy phát điện... đồng thời thành lập lực lượng xung kích tại các xã, thị trấn; củng cố mạng lưới thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông suốt 24/24 giờ. Ông Hà Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường cho biết: Vào đợt diễn tập chiến đấu trị an cuối năm ngoái, xã cũng đã huy động lực lượng tu sửa, san lấp các tuyến đường bị xuống cấp, những điểm bị trơn trượt trong mùa mưa. Ngay từ đầu năm nay, UBND xã đã tiến hành rà soát và xác định nguy cơ ngập úng, sạt lở taluy dương ở các tuyến đường trên địa bàn. Qua đó, xã đã cũng có phương án ứng phó khi xảy ra sạt lở và ngập úng. Theo đó, xã chú trọng tuyên truyền, cảnh báo người dân hạn chế qua lại những đoạn đường có nguy cơ sạt lở cao. Khi xảy ra sạt lở đất đá, xã sẽ huy động lực lượng dân quân và người dân nhanh chóng vận chuyển, di chuyển đất đá sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng cơn bão số 2 vừa qua, tuyến đường từ UBND xã đi xóm Thượng Lương đã bị sạt lở với khối lượng trên 1.000m3 đất đá. Để vận chuyển được số đất đá này phải cần thuê máy xúc và xe tải thực hiện. Do vậy, xã đã báo cáo lên UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện hỗ trợ kinh phí thực hiện...

Ông Nông Minh Tuấn cho biết thêm: Đối với sạt lở ở các tuyến đường trên địa bàn huyện, nhất là ở xã Sảng Mộc và Nghinh Tường, huyện đã kịp thời chỉ đạo đóng cọc, chăng dây và cắm biển cảnh báo nguy hiểm, đồng thời báo cáo tình hình thiệt hại về tỉnh. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại các khu vực bị sạt lở. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí dự phòng năm 2019 của huyện đã sử dụng cho công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và diễn tập chiến đấu phòng thủ. Bởi vậy, huyện đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh có sự hỗ trợ kịp thời về kinh phí để khắc phục thiệt hại do cơn bão số 2 vừa qua gây ra.