Xã không nắm rõ diện tích đất của chợ, nhiều hộ dân ở xung quanh lấn chiếm vào chợ sau đó được cán bộ “hướng dẫn” hợp thức hóa bằng cách… nộp tiền cho xã, hồ sơ giao đất cho người dân không còn lưu giữ, một cán bộ xã cũng bị tố cáo vì lấn chiếm đất chợ… Đó là thực trạng tại khu vực chợ Thượng Đình, xã Thượng Đình (Phú Bình), khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi.
“Chúng tôi không biết, xã bảo nộp tiền thì nộp thôi.”
Theo bản đồ địa chính xã Thượng Đình năm 1993, tờ số 9 (hiện chưa có bản đồ cập nhật, thay thế), diện tích chợ Thượng Đình là 3.250m2. Nhưng khi được hỏi diện tích của chợ mà chính quyền đang quản lý, ông Dương Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Thượng Đình sau một hồi suy nghĩ, nói: Tôi không rõ lắm nhưng khoảng 2.000m2 thì phải. Từ lâu, xã không cho kiểm tra, rà soát lại vì thấy vẫn yên ắng, không vấn đề gì… Công chức địa chính xã Thượng Đình, bà Dương Thị Lương cũng cho biết vì mới về xã công tác 2 năm nên không nắm rõ hiện trạng đất đai khu vực chợ.
Chợ Thượng Đình (giáp Quốc lộ 37, họp 22 phiên/tháng) thành lập năm 1990, đến năm 1991 thì có khoảng 20 hộ dân trong xã có nhu cầu đất ở được chính quyền địa phương “cắm” đất giáp chợ, hướng quay ra Quốc lộ 37, diện tích mỗi lô đều là 70m2. Sau khi nộp tiền vào ngân sách theo quy định, các hộ đều phải xây dựng nhà ở như cam kết với địa phương. Điều đáng nói là phần lớn số hộ này ngoài diện tích được cấp 70m2 thì đều cơi nới, lấn chiếm đất chợ. Ông Hà Mậu Long, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Đình (là Chủ tịch UBND xã từ năm 1992 đến năm 2004) và Chủ tịch UBND xã Dương Quốc Hùng đều khẳng định không được nhận bàn giao và hiện xã không còn hồ sơ lưu về việc cấp đất cho các hộ dân.
Đến năm 2002, như mặc nhiên công nhận việc lấn chiếm của các hộ vào đất chợ, cán bộ xã Thượng Đình “hướng dẫn” người dân nộp tiền cho xã để được kê khai đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cả diện tích đã lấn chiếm. Gia đình bà Dương Thị Liên được giao 70m2 đất từ năm 1991 như các hộ khác và nộp tiền sử dụng đất theo quy định, ngoài phần được giao, gia đình bà đã “quây” thêm cả đất chợ. Bà Liên cho biết: Năm 2002, một cán bộ xã bảo nếu gia đình muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cả phần diện tích ngoài 70m2 đó thì phải nộp cho xã 25.000đ/m2. Nhà tôi nộp tiền để được cấp thêm 29m2 nên diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 99m2, toàn bộ là thổ cư. “Nhiều hộ khác cũng vậy, xã làm đồng loạt mà. Chúng tôi không biết đúng sai thế nào, cán bộ xã bảo nộp tiền thì nộp thôi” - bà Liên nói.
Không riêng gia đình bà Dương Thị Liên, diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhiều hộ trong khu vực đều lớn hơn 70m2 được giao ban đầu, có hộ trên 100m2. Trường hợp hãn hữu như gia đình bà Phạm Thị Quang vẫn chỉ có 70m2. Theo lời bà Quang thì gia đình mua lại mảnh đất này của người được cấp trước đó, gia đình bà không lấn chiếm cũng không nộp tiền để được cấp thêm.
Xã có thu tiền của người dân hay không và nếu có thu thì dựa vào quy định nào? Trả lời câu hỏi đó của chúng tôi, ông Hà Mậu Long khẳng định: Lúc đó tôi là Chủ tịch UBND xã không cho phép thu tiền như vậy vì không đúng quy định. Nếu có việc xã thu tiền như người dân phản ánh, chúng tôi sẽ kiểm tra lại vì có thể cán bộ cấp dưới tự ý làm trái quy định… Tuy nhiên, trong buổi làm việc sau, khi chúng tôi nhắc lại câu hỏi này, ông Hà Mậu Long cho biết: Xã có thu tiền của một số trường hợp, nhập vào ngân sách xã để đầu tư cơ sở vật chất nhưng hiện chưa tìm thấy hồ sơ, chứng từ thu, chi. Khi đó tôi là Chủ tịch UBND xã những vấn đề nhỏ như này không để ý (!?). Xã không có quyền bán đất cho dân nhưng vì họ đã lấn chiếm rồi nên cần hợp thức hóa, báo cáo huyện thì thủ tục, quy trình nhiều vấn đề.
Cán bộ xã cũng lấn chiếm đất chợ
Việc xã Thượng Đình “hợp thức hóa” cho những trường hợp lấn chiếm vào đất chợ diễn ra năm 2002. Mới đây, khi có ý kiến phản ánh của người dân xã mới tức tốc chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại.
Điều đáng nói, tháng 6 vừa qua, ông Dương Quang Tiến, Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã cũng bị người dân tố cáo lấn chiếm đất chợ Thượng Đình. Khác với những hộ được cấp 70m2 đất công như nêu ở trên, năm 2001, ông Tiến mua lại 125m2 đất của một người dân giáp phía trong chợ. Sau khi chuyển đổi 70m2 sang thổ cư, năm 2018, gia đình ông Tiến làm nhà ở kiên cố và xây cửa hàng rộng khoảng 50m2. Qua kiểm tra sơ bộ của xã, gia đình ông đã lấn chiếm tổng cộng trên 20m2 vào đất chợ, ngoài ra còn xây dựng cửa hàng trên phần đất chưa chuyển đổi mục đích. Tuy nhiên, theo người tố cáo thì diện tích gia đình ông Tiến lấn vào chợ lớn hơn nhiều.
Ông Dương Quang Tiến phân trần: Tôi rất bất ngờ khi bị tố cáo. Tôi cũng có phần sai là khi làm nhà không báo cáo xã, không đề nghị cán bộ địa chính định vị chính xác ranh giới, xây công trình trên đất lúa…
Người đứng đơn tố cáo ông Dương Quang Tiến cho biết: Lúc đầu tôi mang đơn ra xã gặp trực tiếp ông Long Bí thư Đảng ủy nhưng ông ấy không nhận, bảo mang về để xã hòa giải. Sau đó tôi phải gửi qua đường bưu điện, đồng thời gửi cả lên huyện và tỉnh thì xã mới chỉ đạo xác minh. Lãnh đạo xã và nhiều cán bộ đã vài lần đến nhà tôi “vận động” rút đơn nhưng tôi không đồng ý. Đảng ủy xã cũng có giấy mời tôi ra làm việc với Tổ công tác của Ủy ban Kiểm tra, nhưng 2 lần tôi đến đều chỉ được gặp mỗi Bí thư Đảng ủy, có trao đổi nhưng không lập biên bản làm việc.
Về nội dung này, ông Hà Mậu Long thừa nhận việc không nhận đơn của công dân là sai, nhưng “tôi muốn lên trực tiếp hòa giải” – ông Long nói. Cũng theo ông Hà Mậu Long, sau khi nhận được đơn tố cáo ông Dương Quang Tiến, Đảng ủy xã Thượng Đình đã thành lập Tổ kiểm tra xác minh để sớm có kết luận và báo cáo cấp trên…
Có thể nói, dư luận địa phương có lý khi đặt ra nhiều dấu hỏi về công tác quản lý đất đai tại khu vực chợ Thượng Đình và việc cán bộ, đảng viên là ông Dương Quang Tiến có dấu hiệu sai phạm. Những vấn đề này cần được các cấp, ngành liên quan chỉ đạo kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh theo quy định nếu phát hiện sai phạm.