Đền Đá Thiên thuộc địa bàn tổ 17, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) là cơ sở tín ngưỡng do cộng đồng dân cư quản lý. Tuy nhiên thời gian qua, nơi đây lại do một nhóm người tự tổ chức các hoạt động tâm linh và thu phí, lệ phí cũng như tiền công đức trái quy định. Điều này khiến dư luận bức xúc.
Công trình đền Đá Thiên được xây dựng từ trước năm 1947, là nơi thờ cúng của người dân xóm Thai Thông (nay là tổ 16, 17) và khu vực lân cận. Theo người dân địa phương, đền trước kia khá đơn sơ và ít người lui tới. Năm 2008, khi có thông tin truyền miệng đây là nơi chôn cất ông Hoàng Bảy, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tìm đến cầu khấn. Lượng khách tìm về ngày càng đông, nhất là ngày rằm, mùng một, dịp Tết Nguyên đán, ngày tiệc chính của ông Hoàng Bảy (17-7)... Đáng chú ý là các khoản phí, lệ phí thu ở đây không đúng với quy định; việc quản lý, thu chi tiền công đức cũng không minh bạch.
Trong vai người đi lễ, chúng tôi đã đến thực tế ở đền Đá Thiên. Đang là tháng 7 âm lịch nên lượng khách đến đây lên tới cả nghìn người mỗi ngày. Khách muốn đặt chỗ làm lễ hầu đồng phải nộp một khoản phí gọi là “tiền cung” với mức 1 triệu đồng (nếu chọn giờ đẹp, ngày đông khách có thể giá cao hơn). Cùng với đó, người hầu đồng phải mua sắm kèm nhiều đồ cúng tiến theo nghi lễ và chi phí khác. Hòm công đức được đặt trong khuôn viên để người đi lễ có thể đóng góp một phần kinh phí xây dựng và tôn tạo công trình. Tại cuốn sổ trên bàn, chúng tôi thấy danh sách dài tên người công đức, ít cũng 50 nghìn đồng, nhiều tới 400-500 nghìn đồng. Đáng chú ý là phần lớn khách tự ghi vào sổ sau đó bỏ tiền vào hòm; mẫu phiếu sơ sài, do cá nhân tự in. Ngoài ra, trên các ban thờ, bát nhang cũng có nhiều du khách đặt tiền. Định kỳ có người đi thu gom lại. Không ai biết cụ thể số tiền thu được tại đây là bao nhiêu, ai quản lý và sử dụng như thế nào? Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau khẳng định: Có hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi cá nhân. Trong thời gian thủ nhang là bà Hoàng Thị Lý không có mặt do bị ốm nên các đối tượng lạm quyền để chiếm đoạt tài sản. Hiện toàn bộ tiền công đức ở đền Ban Quản lý không nắm được và chưa công khai theo quy định.
Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, việc quản lý đền Đá Thiên từng có sự buông lỏng. Cụ thể, đến tận tháng 6/2017, UBND thị trấn Trại Cau mới có Quyết định số 60/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý đền Đá Thiên và ngày 21/12/2018 tiếp tục có quyết định kiện toàn. Tuy nhiên, cả hai quyết định nói trên đều chưa đảm bảo về mặt pháp lý. Lý do là ban quản lý đền do cộng đồng dân cư bầu ra, UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền ra quyết định “công nhận” chứ không được ra quyết định "thành lập". Ngày 19/7/2019, UBND thị trấn Trại Cau tiếp tục tổ chức họp dân với sự tham gia của đại diện 109 hộ thuộc 2 tổ dân phố 16 và 17 để thống nhất bầu Ban Quản lý đền Đá Thiên gồm 13 thành viên: Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn là Trưởng ban; bà thủ nhang Hoàng Thị Lý và 3 người khác làm Phó ban, cùng đại diện đoàn thể 2 tổ dân phố. Tuy nhiên, khi Ban Quản lý đi vào hoạt động thì bị một số đối tượng cản trở, gây phức tạp về an ninh trật tự.
Ngày 9-8 vừa qua, khi thành viên Ban Quản lý đền Đá Thiên tiến hành đặt biển nội quy vào khuôn viên Đền đã bị một nhóm người cản trở. Họ đóng cửa và cho rằng đây là công trình của gia đình nên tập thể không có quyền can thiệp.
Điều đáng nói ở đây là công trình đền Đá Thiên được Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) xác định là cơ sở tín ngưỡng, các hội nghị lấy ý kiến ở cộng đồng dân cư đều kết luận là cơ sở tín ngưỡng chung của tổ 16, 17 và nhân dân địa phương, nhưng một nhóm người lại tự nhận là tài sản riêng của gia đình.
Ông Lao Văn Thắng, Bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng tổ 17 xác nhận: Nhóm người tự nhận là “nhà đền” này là con cháu hoặc có họ hàng gần với bà Hoàng Thị Lý. Việc cho rằng đây là nơi thờ tự của gia đình là hoàn toàn không có cơ sở. Về nguồn gốc của ngôi đền, ông Hoàng Văn Hòa, 91 tuổi, ở tổ 17, thị trấn Trại Cau cho biết, trước năm 1947, đã có đền Đá Thiên, là nơi để nhân dân cầu cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Hằng năm nhân dân đóng góp công sức để tu sửa. Giai đoạn 1950-1951, ông Hòa được giao trông coi, quét dọn đền (gọi là thủ nhang). Năm 1967-1968, do công việc ở đền vất vả, ông mời thêm bà Hoàng Thị Lý cùng trông coi quét dọn; đến năm 2004 thì giao toàn bộ công việc cho một mình bà Lý. Từ năm 2008, nhà hảo tâm các nơi đóng góp xây dựng thêm một số công trình thuộc đền Đá Thiên như: Động sơn lâm, tháp chuông, nhà công đồng, nhà ở của thủ nhang. Ước tính tổng số tiền đóng góp là trên 2 tỷ đồng, nhân dân tổ 16 và 17 góp một phần công lao động.
Về nguồn gốc đất khu vực đền Đá Thiên, theo bản đồ địa chính năm 1997, khu vực này thuộc ô số 46, tờ bản đồ số 5 có diện tích là 2.456,6 m2. Toàn bộ là đất công do Nhà nước quản lý. Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau thừa nhận: Các công trình hình thành trong giai đoạn 2008-2010 trên đất công khu vực đền Đá Thiên là vi phạm quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương đã làm việc với bà Hoàng Thị Lý với vai trò là thủ nhang và có quyết định xử phạt hành chính. Thị trấn khi ấy cũng có phần lúng túng, chưa làm hết trách nhiệm và không xử lý quyết liệt khi để các công trình dù sai phạm nhưng vẫn hoàn thành và đưa vào sử dụng. Liên quan đến vấn đề này, ngày 18/4/2014, UBND thị trấn Trại Cau đã có văn bản trả lời đơn đề nghị công nhận khu vực đền Đá Thiên là nơi thờ tự gia đình của bà Hoàng Thị Lý là không có cơ sở.
Tất cả những dẫn chứng ở trên đều đi đến kết luận rằng: Đền Đá Thiên là cơ sở tín ngưỡng chung của tổ 16, 17 cùng nhân dân địa phương và hiện đang tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý; có dấu hiệu lợi dụng tín ngưỡng của một nhóm người để trục lợi. Đề nghị chính quyền và cơ quan chức năng vào cuộc tích cực, xử lý triệt để tình trạng này, đảm bảo hoạt động tín ngưỡng lành mạnh của người dân và du khách thập phương.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Theo bản đồ địa chính, diện tích đất khu vực đền Đá Thiên được ghi là đất tín ngưỡng, do UBND thị trấn Trại Cau quản lý. Hiện nay cơ quan chuyên môn chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. |