Tạo sự đồng thuận vì lợi ích của người dân

15:59, 02/08/2019

​Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân tăng cao, hiện nay, Công ty Điện lực Thái Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện Dự án chống quá tải lưới điện tại tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh. Để Dự án được thực hiện đạt hiệu quả cao, bảo đảm tiến độ kế hoạch, rất cần sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thi công các công trình điện, vì lợi ích của chính người dân.  

Dự án chống quá tải lưới điện tập trung vào việc cấy thêm trạm biến áp (TBA) và đường dây trung thế, hạ thế, bảo đảm tiến độ nhanh, phục vụ kịp thời mùa nắng nóng năm nay theo yêu cầu của chính quyền địa phương và ý kiến của cử tri tại những khu vực quá tải trong toàn tỉnh. Do vậy, để GPMB cần tập trung tuyên truyền, vận động về mục tiêu, ý nghĩa của Dự án, giúp nhân dân địa phương vùng triển khai Dự án được biết, đồng thuận, thống nhất ý chí, tự nguyện hiến đất xây dựng và các chi phí khác liên quan đến công tác GPMB thi công công trình.

Một ngày đầu tháng 8, có mặt tại khu vực đơn vị thi công lắp đặt TBA (TBA) chống quá tải lưới điện ở xóm Bình Định 2, xã Bình Sơn (T.P Sông Công), chúng tôi thấy các nhân viên đội thi công (thuộc Công ty TNHH Thành Quý, ở phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên) đang khẩn trương hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị đóng điện cho người dân sử dụng. Anh Đặng Như Phong, nhân viên đội thi công cho biết: Được sự đồng thuận hiến đất của các hộ dân liên quan, đến nay, đội thi công đã dựng xong 11 cột điện để kéo đường dây trung thế vào khu vực sẽ lắp đặt TBA mới, đồng thời khẩn trương chuẩn bị lắp đặt TBA… Ông Dương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã thông tin thêm: Thực hiện Dự án chống quá tải lưới điện, xã Bình Sơn được ngành Điện đầu tư lắp đặt thêm 4 TBA tại các xóm Xuân Đãng, La Vùng, Linh Sơn và Bình Định 2, cung cấp nguồn điện ổn định cho khoảng 350 hộ dân. Nhiều năm nay, người dân ở các xóm này luôn phải chịu cảnh điện yếu do quá tải, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất. Ngay sau khi ngành Điện thông báo sẽ đầu tư lắp đặt thêm các TBA nhằm nâng cao chất lượng nguồn điện cho nhân dân địa phương, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động bà con hiến đất phục vụ thi công công trình. Đến nay, 60 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp ở các xóm đã hiến đất để đơn vị thi công dựng cột và lắp đặt xong 3 TBA, còn 1 TBA ở xóm Bình Định 2 sẽ được lắp đặt trong mấy ngày tới…

Từ thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện Dự án chống quá tải lưới điện trên địa bàn T.P Sông Công đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, vì thế tiến độ thi công các công trình điện cơ bản bảo đảm theo kế hoạch đề ra. Còn đối với các địa phương khác trong tỉnh thì Dự án được triển khai như thế nào? Trao đổi với chúng tôi,

ông Bùi Tuấn Thăng, Phó Giám đốc Điện lực T.X Phổ Yên cho biết: Năm nay, ngành Điện triển khai thực hiện Dự án chống quá tải lưới điện trên địa bàn Thị xã với tổng kinh phí đầu tư gần 15 tỷ đồng. Theo đó, Dự án được triển khai tại 9 xã, phường (gồm: Tiên Phong, Tân Hương, Thành Công, Tân Phú, Hồng Tiến, Bắc Sơn, Nam Tiến, Đồng Tiến, Vạn Phái), với các hạng mục: Lắp đặt mới 12 TBA (với tổng công suất 2.920kVA); xây dựng mới đường dây trung thế với tổng chiều dài trên 4,3km; đối với đường dây hạ áp có tổng chiều dài xây dựng mới và cải tạo là trên 15,6km. Ban đầu, quá trình triển khai thực hiện Dự án còn một số vướng mắc vì theo thiết kế, việc lắp đặt các TBA và hệ thống đường dây điện gây ảnh hưởng đến khu vực ruộng lúa đã cấy, diện tích trồng rừng của nhân dân, hoặc đường dây điện được thiết kế dọc theo tuyến đường, phố có người dân sinh sống hai bên, do đó một số hộ chưa đồng thuận về việc bàn giao mặt bằng cũng như giải tỏa hành lang an toàn lưới điện, dẫn đến tiến độ thi công bị chậm. Tuy nhiên, nhờ có sự nỗ lực vào cuộc của ngành Điện và các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, đến nay cơ bản các hộ dân đều đồng thuận về việc hiến đất, bàn giao mặt bằng thi công các công trình. Đến nay, trong tổng số 12 TBA được đầu tư lắp đặt mới trên địa bàn T.X Phổ Yên thì đã có 7 TBA hoàn thành và tiến hành đóng điện, 5 TBA còn lại đang tiếp tục được thi công, dự kiến sẽ đóng điện trước ngày 15-8… Ông Lý Văn Thọ, một người dân ở xóm Hạ Đạt, xã Thành Công, cho biết: Khi biết thông tin ngành Điện sẽ lắp đặt TBA Hạ Đạt 3 (công suất 160kVA) và đường dây trung thế đi qua khu vực ruộng lúa của gia đình, do lo lắng về việc sản lượng hoa màu bị thiệt hại nên tôi không đồng tình, đề nghị cơ quan chức năng dịch chuyển công trình sang vị trí khác. Tuy nhiên, sau khi được các cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động, tôi đã nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc lắp đặt TBA và đường điện mới góp phần khắc phục tình trạng quá tải lưới điện tại địa phương. Vì thế gia đình tôi đã đồng thuận hiến một phần đất cấy lúa để ngành Điện thi công công trình bảo đảm tiến độ.

Ông Lại Mạnh Hồng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên thông tin khái quát: Về danh mục công trình thuộc Dự án chống quá tải lưới điện được triển khai thực hiện năm 2019 trên địa bàn tỉnh gồm 12 công trình, với tổng mức đầu tư trên 168 tỷ đồng, trong đó xây dựng mới trên 51km đường dây trung thế và 85km đường dây hạ thế; lắp đặt mới và cải tạo, nâng cấp 109 TBA phân phối. Ngay từ đầu năm, các đơn vị thuộc Công ty đã đồng loạt triển khai thực hiện kế hoạch được giao trong các lĩnh vực liên quan đến Dự án. Đến nay, về cơ bản Dự án đang được triển khai thực hiện đúng tiến độ kế hoạch, tuy vậy vẫn còn một số vướng mắc trong công tác GPMB. Vì vậy, ngành Điện cùng các địa phương xác định cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân các địa phương đồng thuận, ủng hộ trong việc hiến đất thi công các công trình. Từ đó góp phần quan trọng để Dự án được thực hiện đạt hiệu quả cao, vì lợi ích của chính người dân…

Hộp dữ liệu:

Mục tiêu đầu tư thực hiện Dự án chống quá tải lưới điện:

Chống quá tải cho các TBA phân phối hiện có đang quá tải; bảo đảm cung cấp điện chất lượng liên tục, ổn định cho khách hàng sử dụng điện; đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của phụ tải tại các khu vực trung tâm, có mật độ khách hàng lớn; bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành và cung cấp điện; giảm bán kính cấp điện lưới trung áp 22kV, giảm tổn thất các đường dây ≤5%, nâng cao hiệu quả kinh doanh bán điện…

Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối tháng 8-2019 sẽ hoàn thành Dự án.