86,02% là chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (HCNN) trên địa bàn tỉnh năm 2018, giảm 18 bậc so với năm 2017 (94,4%) vừa được Sở Nội vụ công bố. Mặc dù chia theo khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, Thái Nguyên vẫn xếp ở thứ hạng cao (thứ 2 trong 14 tỉnh, thành, giảm 1 bậc so với năm 2017). Sự hài lòng của người dân và tổ chức chính là thước đo trong công tác cải cách hành chính (CCHC).
Đây là năm thứ hai việc điều tra xã hội học xác định chỉ số hài lòng được thực hiện bằng hình thức hợp đồng thuê cơ quan độc lập (Bưu điện tỉnh), tạo được sự khách quan và niềm tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với kết quả của việc xác định chỉ số này. Đã có 6 sở, ngành, 6 huyện, thành, thị và 18 xã, phường, thị trấn được chọn để khảo sát, đánh giá.
Theo đó, kết quả khảo sát, các chỉ số thành phần đều đạt ở mức cao, như: Chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ đạt 83,09%, xếp thứ 21 trong cả nước; chỉ số hài lòng về thủ tục hành chính (TTHC) đạt 92,99%, xếp thứ 10 trong cả nước; chỉ số hài lòng về công chức đạt 88,73%, xếp thứ 18 trong cả nước; chỉ số hài lòng về kết quả công việc đạt 92,32%, xếp thứ 15 trong cả nước và chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý phản ánh, khiếu nại đạt thấp nhất 71,43%, xếp thứ 36 trong cảnước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn sự than phiền trong người dân và doanh nghiệp về công tác này. Người dân vẫn chưa hài lòng vì TTHC còn rườm rà, phức tạp; thời gian giải quyết chưa phù hợp; thái độ phục vụ người dân của cán bộ, công chức tuy được cải thiện nhưng vẫn còn tình trạng công chức giải quyết TTHC có thái độ không đúng mực, không chú ý lắng nghe, giải thích hướng dẫn kê khai hồ sơ không đầy đủ, chu đáo, còn gây phiền hà, sách nhiễu, thậm chí còn gợi ý nộp tiền ngoài phí và lệ phí theo quy định.
Kết quả khảo sát cho thấy một số người dân còn cho rằng họ phải đi lại nhiều lần mới nhận được kết quả giải quyết, cụ thể 69,50% số người khảo sát cho biết phải đi lại 1-2 lần; 25,31% cho biết phải đi lại 3-4 lần; 2,49% cho biết phải đi lại từ 5-7 lần; 2,70% số người khảo sát cho biết phải đi lại trên 7 lần mới nhận được kết quả giải quyết TTHC.
Nhìn vào bảng đánh giá trên đã phản ánh được mặt mạnh, mặt hạn chế trong hoạt động của cơ quan HCNN các cấp trong tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành, thị cần đưa ra những giải pháp nhằm nâng chất lượng hoạt động góp phần nâng cao sự tín nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với cơ quan HCNN ở địa phương.
Trong nhiều cuộc họp, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định chỉ sốCCHC cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Quan tâm đầu tư, nâng cấp bộ phận một cửa, một cửa liên thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các TTHC. Tăng cường công tác kiểm tra nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với các tổ chức, cá nhân; đặc biệt là nêu cao vai trò của người đứng đầu trong công tác CCHC...
Theo đồng chí Đặng Ngọc Huy, Phó Giám đốc Sở Y tế: Năm 2018, theo đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ y tế đạt 83,9%. Tỷ lệ trên tuy không thấp, song vẫn có người dân chưa hài lòng với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ của Ngành. Để khắc phục tình trạng trên, ngành Y tế sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ hơn; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác CCHC, nâng cao kỹ năng tư vấn, giáo dục sức khỏe, chất lượng và sự hài lòng của người bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe, kê thuốc theo đơn, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với các dịch vụ y tế… Còn, đồng chí Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình khẳng định: UBND huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh giải quyết hồ sơ TTHC, nhằm nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu thời gian đi lại cho các tổ chức và cá nhân, từng bước tạo sự hài lòng của người dân. Đồng thời tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý, thực hiện gửi văn bản đi, đến qua hệ thống văn bản điện tử để nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan Nhà nước được thông suốt từ huyện đến xã, từ huyện lên tỉnh.
Nhìn vào nhóm giải pháp mà các ngành, địa phương đưa ra để cải thiện và nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan HCNN cho thấy, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương đã rất quyết liệt nhằm cải thiện chỉ số này. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí đủ kinh phí để triển khai nhiệm vụ CCHC hằng năm, trọng tâm là kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư phòng làm việc của bộ phận một cửa ở những xã chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định...