Nguy cơ mất đất vì bị “tranh chấp” bằng căn cứ mơ hồ

11:31, 30/09/2019

Sử dụng ổn định, liên tục một mảnh vườn khoảng 100m2 từ năm 1989, nhưng khi làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì gia đình bà Chu Thị Thúy (ở tổ 18, nay là tổ 6, phường Hương Sơn, T.P Thái Nguyên) lại bị một hộ liền kề “tranh chấp”. Gia đình bà đã gửi đơn đến nhiều nơi để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, trong khi cách giải quyết của phường chưa thỏa đáng, thiếu dứt khoát.  

Năm 1989, vợ chồng bà Chu Thị Thúy, lúc đó đang ở Khu tập thể của Xí nghiệp Năng lượng thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên, được người khác nhượng lại một khu vườn để trồng rau cạnh chuồng bò tăng gia và nhà vệ sinh của Xí nghiệp. Sau khi Xí nghiệp không sử dụng chuồng bò và nhà vệ sinh thời gian dài, vợ chồng bà Thúy đã dành nhiều công sức cải tạo để mở rộng khu vườn ra khoảng 100m2. Bà Thúy khẳng định: Gia đình tôi sử dụng liên tục, ổn định khu đất này từ năm 1989 đến nay để trồng rau màu và một số cây ăn quả, không bỏ hoang và cũng không tranh chấp với ai. Đến năm 2004, khi có hướng dẫn của cán bộ phường, gia đình tôi đã làm thủ tục và nộp thuế sử dụng đất liên tục đến năm 2011 (chính sách của Nhà nước thay đổi). 

Việc gia đình bà Chu Thị Thúy sử dụng liên tục khu đất đó được nhiều người xác nhận. Ông Lê Bính, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Năng lượng cho biết: Tôi ở tập thể Xí nghiệp ngay gần mảnh vườn nhà cô Thúy từ năm 1988, gia đình cô Thúy đã sử dụng mảnh vườn đó từ năm 1989 đến nay… Ông Nguyễn Văn Tùng, nguyên Bí thư Đảng ủy Xí nghiệp Năng lượng cũng có bút tích xác nhận việc gia đình bà Thúy canh tác ổn định, liên tục trên mảnh vườn này. Các ông: Nguyễn Dương Tĩnh, Lê Đức Tiến và Nguyễn Quốc Hỷ đều nguyên là tổ trưởng tổ 18 (phường Hương Sơn), đồng thời là các nhân chứng cũng khẳng định tương tự. 

Nếu đúng như thông tin gia đình bà Chu Thị Thúy cung cấp cũng như khẳng định của nhiều người như trên, mảnh vườn của gia đình bà sẽ được cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định. Tuy nhiên, nguyện vọng của bà Thúy đang gặp vướng mắc bởi một hộ dân liền kề “tranh chấp” và việc giải quyết thiếu dứt khoát, chưa thỏa đáng của chính quyền phường Hương Sơn.

Cụ thể, cạnh khu đất của gia đình bà Thúy là hộ ông Nguyễn Đình Hiển. Gia đình ông Hiển mua đất và sinh sống tại đó từ năm 1993. Theo hồ sơ, ông Hiển mua của ông Mai Văn Hoàn 200m2 vào năm 1993, có phần phụ lục ghi ranh giới và phác họa sơ đồ thửa đất. Đến năm 2005, khi gia đình ông Hiển làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì xảy ra mâu thuẫn với gia đình bà Thúy vì hai bên “không thống nhất” về ranh giới. Bà Thúy cho biết: Lúc đó, gia đình ông Hiển hỏi xin của nhà tôi một phần mảnh vườn liền kề với đất của ông ấy, khi chúng tôi không đồng ý thì ông ấy quay ra đòi đất một cách vô lý. Sau đó, tổ trưởng dân phố là ông Nguyễn Quốc Hỷ đã đứng ra hòa giải (có biên bản), kết quả là hai nhà không còn “hiểu lầm” về ranh giới và gia đình tôi đã xây tường ngăn bằng gạch tồn tại đến bây giờ. 

Tuy nhiên, năm 2016, khi gia đình bà Chu Thị Thúy làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì gia đình ông Hiển lại cho rằng phần lớn mảnh vườn này đã nằm trong “sổ đỏ” của nhà mình. Cán bộ địa chính phường Hương Sơn khi kiểm tra thực địa đã “ghi nhận” ý kiến của gia đình ông Hiển nên hồ sơ của gia đình bà Thúy không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Đến năm 2017, sau quá trình xác minh, giải quyết, phường Hương Sơn khẳng định diện tích vườn của bà Thúy không nằm trong “sổ đỏ” của nhà ông Hiển. Nhưng trong biên bản các cuộc họp liên quan và khi làm việc với phóng viên, ông Mầu Minh Cường, Phó Chủ tịch uBND phường Hương Sơn cho rằng: Đối với mảnh đất này, gia đình bà Thúy chỉ có xác nhận của các nhân chứng, trong khi nhà ông Hiển có hồ sơ sử dụng đất là giấy tờ mua bán viết tay được phường xác nhận.

Nội dung mấu chốt trong “giấy tờ mua bán viết tay” (gia đình ông Hiển mua đất của ông Mai Văn Hoàn) như đề cập của ông Phó Chủ tịch uBND phường Hương Sơn, khiến nảy sinh “tranh chấp” và phức tạp  là phần phụ lục kèm theo có ghi “phía Tây giáp nhà vệ sinh tập thể”. Nội dung này được gia đình ông Hiển và cán bộ phường Hương Sơn suy luận rằng khoảng 4/5 mảnh vườn nhà bà Thúy thuộc phạm vi ông Hiển đã mua của ông Hoàn. Vậy, đây có phải là căn cứ pháp lý để gia đình ông Hiển “đòi đất” hay không? Biên bản kiểm tra hiện trạng sử dụng đất để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho gia đình ông Hiển năm 2005 có nêu: Thửa đất của gia đình ông Hiển trên bản đồ 299, sau đó là bản đồ địa chính đã được đo bao sang phần đất phía Tây (tức mảnh vườn của bà Thúy) thêm tổng cộng 84m2. “Qua kiểm tra hồ sơ sử dụng đất thì diện tích thực tế bà Lan (vợ ông Hiển - PV) được quyền sử dụng là 200m2”… Giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông Hiển cũng ghi diện tích thửa đất là 200m2, bằng đúng diện tích đã mua theo giấy tờ mua bán. Vì vậy, cùng với việc hai gia đình đã được hòa giải và công nhận ranh giới đất vào năm 2005, ông Nguyễn Thế Hoàn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, cho rằng gia đình ông Hiển không có căn cứ để “đòi” mảnh đất bà Thúy đang sử dụng. 

Thêm nữa, cũng theo phân tích của ông Nguyễn Thế Hoàn, việc gia đình ông Hiển dựa vào phần phụ lục về sơ đồ thửa đất trong giấy tờ mua bán có ghi “phía Tây giáp nhà vệ sinh tập thể” để đòi quyền sử dụng phần lớn mảnh vườn của bà Thúy là thiếu căn cứ pháp lý, bởi: Phần phụ lục này là sơ đồ do người mua, bán tự phác họa chứ không phải trích lục bản đồ nên chỉ là tài liệu tham khảo. Việc ghi các mốc giới thường là tương đối và nhằm xác định hướng đất. Mặt khác, phần phụ lục ở đây không có chữ ký của hai bên, đặc biệt là không có xác nhận của cơ quan chức năng thời điểm đó. Đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông Hiển không có ký giáp ranh của gia đình bà Thúy cũng là một thiếu sót khiến sự việc phức tạp…

Vì những lý lẽ đó, gia đình bà Chu Thị Thúy không thừa nhận hiện trạng “tranh chấp” đất với nhà ông Hiển. Trong khi đó, uBND phường do xác định có tranh chấp nên đã tổ chức hòa giải và chỉ đạo tổ 18 hòa giải nhưng không có kết quả. Gia đình bà Thúy đã gửi đơn đến nhiều nơi nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Có thể nói, đây là sự việc không quá phức tạp đến mức phải kéo dài như vậy. Chính quyền phường Hương Sơn đã làm hết trách nhiệm và đúng quy định để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân chưa? Điều này cần các cấp, ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc.