Thời gian gần đây, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu tổ chức đảng (TCĐ) các cấp phải làm thật tốt công tác chuẩn bị nhân sự trước thềm đại hội. Một trong những nội dung nổi bật là các cấp ủy đương nhiệm phải chủ động sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những kẻ cơ hội chính trị, lập trường thiếu vững vàng, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.
Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” nêu rõ: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”.
Tiếp đó, Kết luận số 55-KL/TW ngày 15/8/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng cảnh báo một số nơi cấp ủy viên, ủy viên thường vụ, người đứng đầu cấp ủy còn đủ điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm; đồng thời, yêu cầu không đưa vào cấp ủy khóa mới những người có biểu hiện “thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, dĩ hòa vi quý”.
Gần đây nhất, ngày 23/9/2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐi/ TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Trước đó, vào tháng 11-2018, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Dứt khoát không đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ mới những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”.
Không ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta lại ví những kẻ cơ hội chính trị như những “con lươn, con chạch”. Một trong những biểu hiện tinh vi nhất của những kẻ cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch” là thái độ “sống giả” để tạo ra uy tín giả vì mục đích háo danh, vụ lợi.
Tại một số cơ quan, đơn vị, tổ chức hiện nay, “sống giả” đang có biểu hiện ở một nhóm cán bộ, đảng viên (CBĐV). Đối với họ, cấp trên, thủ trưởng thì cái gì cũng phải, cũng đúng, cũng hay; nói năng thì nhẹ nhàng, mềm mỏng, khôn khéo. Với mọi người thì lại ứng xử theo kiểu dĩ hòa vi quý để cố gắng không làm mất lòng ai. “Sống giả” thấy rõ nhất ở một số người đang trong thời điểm chuẩn bị quy hoạch hoặc lấy phiếu tín nhiệm; chuẩn bị bầu cử, đại hội hay chuẩn bị bổ nhiệm chức vụ mới.
Từ “sống giả” tạo dựng nên “uy tín giả” cho CBĐV, một triệu chứng không thể xem thường trong bộ máy công quyền. Thực tế đã có người tiến thân không phải do tài năng, đức độ, mà đi lên bằng cái “môi mỏng, lưỡi mềm” của họ. Họ hiếm khi gây mất lòng ai, nhưng do tài cán có hạn, lại chỉ khư khư giữ mình, ngại va chạm nên những người này thường không có chính kiến rõ ràng, không có tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm. Từ đó khó có thể tạo nên động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc cho tập thể, bộ máy.
Những năm gần đây, vi phạm kỷ luật Đảng ở nhóm CBĐV có chức, có quyền gia tăng; thể hiện qua số tổ chức, cá nhân bị xử lý tăng đáng kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay. Điều này cho thấy Đảng ta đang siết chặt kỷ luật Đảng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Hiện nay, các địa phương, các cơ quan, đơn vị đang khẩn trương chuẩn bị các bước quy hoạch nhân sự tiến tới đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Cấp ủy, ban thường vụ, người đứng đầu cấp ủy các cấp và các cơ quan chức năng giúp việc hãy sớm nhận diện, phát hiện, thẩm định, sàng lọc chặt chẽ ngay từ đầu để ngăn chặn, không cho những kẻ cơ hội, “sống giả” lọt vào vị trí lãnh đạo các cấp. Cùng với đó, mỗi TCĐ, CBĐV hãy chủ động tự kiểm tra việc chấp hành các quy định của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ, sát với thực tế yêu cầu nhiệm vụ. CBĐV, TCĐ cần tôn trọng và chấp hành nghiêm khi được kiểm tra, giám sát. Làm được như vậy, chúng ta sẽ góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Từ khi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” được đưa vào cuộc sống, công tác thi hành kỷ luật Đảng được siết chặt hơn trước. Theo thống kê từ cơ quan chức năng, từ đầu năm 2019 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 123 TCĐ và 7.923 ĐV; trong đó có 256 ĐV bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn 70 CBĐV thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. |