Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự thảo luật

14:59, 17/10/2019

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội, Ngày 17-10, đồng chí Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13. Tham gia Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án và các nội dung khác được nêu trong dự thảo. Các đại biểu đã tập trung thảo luận và góp ý, bổ sung các vấn đề: Tên của luật cần đặt sát với loại hình, bản chất của luật; các tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên, đối thoại viên; về kinh phí đảm bảo thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án; trước khi ban hành luật cần xác định rõ tổ chức xã hội này do ai quản lý, tổ chức bộ máy ra sao…

Đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13, các đại biểu cũng cho rằng việc sửa đổi phù hợp với thực tế là điều cần thiết, góp phần quan trọng phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử…

* Chiều cùng ngày, Đồng chí Hoàng Văn Hùng tiếp tục chủ trì Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Dự thảo Luật Đầu tư PPP gồm 11 chương, 102 điều, trên cơ sở kế thừa Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP, đồng thời bổ sung một số chính sách mới. Dự kiến, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Nêu ý kiến thảo luận tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật. Về cơ bản, các đại biểu đồng tình với nội dung dự thảo Luật đưa ra. Tuy nhiên, đối chiếu trên thực tế triển khai tại địa phương thời gian qua thì một số quy định của Dự thảo Luật còn chưa sát và phù hợp, cũng như để Luật được triển khai thuận lợi trên thực tiễn, các đại biểu đề nghị cần làm rõ và bổ sung thêm một số nội dung, như: Bổ sung quy định phân định thẩm quyền chủ trương đầu tư giữa cấp bộ và cấp tỉnh; cần quy định cả đối với dự án có tổng mức đầu tư dưới 200 tỷ đồng; cần thống nhất trong việc lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế giữa Điều 53 với Điều 12; đề nghị bổ sung vào Điều 4 giải thích từ ngữ đối với cụm từ “các dự án khác” (là các dự án thanh toán cho dự án PPP, có thể bằng quỹ đất sạch hoặc chưa sạch); hay như tại các điều 91, 92, 93 quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn chung chung…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Hùng đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời giao cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, nghiên cứu và gửi Chính phủ để hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.