Sớm xử lý dứt điểm để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư

10:30, 08/10/2019

Đền Đá Thiên, thuộc tổ 17, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) nằm trong vùng quy hoạch của Dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa Đá Thiên do Công ty TNHH Xây dựng mỹ thuật Thiên Phúc làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018. Tuy nhiên, những vướng mắc trong quản lý cơ sở tín ngưỡng này đang khiến phía doanh nghiệp gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai theo cam kết với tỉnh.

Công trình đền Đá Thiên được xây dựng từ trước năm 1943, là nơi thờ cúng của người dân xóm Thai Thông (nay là tổ 16, 17) và khu vực lân cận. Những năm gần đây, khi có thông tin truyền miệng đền là nơi chôn cất ông Hoàng Bảy đã có rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tìm đến dâng hương cầu tài, cầu lộc. Cuối tháng 8-2019, Báo Thái Nguyên đã có bài viết chỉ ra những bất cập trong quản lý công trình tâm linh này. Trong đó khẳng định, đền Đá Thiên là cơ sở tín ngưỡng chung của cộng đồng và có dấu hiệu lợi dụng tín ngưỡng của một nhóm người để trục lợi cá nhân.

Ngay sau đó, Thường trực Huyện ủy Đồng Hỷ đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện thành lập tổ công tác kiểm tra, xác minh rõ nguồn gốc đất, công trình trên đất; giao Công an huyện phối hợp với UBND thị trấn Trại Cau kiểm tra xác minh, làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân tại đền Đá Thiên, xử lý sai phạm (nếu có); phối hợp cùng địa phương giữ gìn an ninh trật tự, tạo điều kiện để Ban Quản lý đền Đá Thiên thực hiện nhiệm vụ.

Theo báo cáo, hiện nay tổ công tác của UBND huyện Đồng Hỷ đang tiến hành các bước xác minh nguồn gốc đất, công trình xây dựng trên đất khu vực đền Đá Thiên. Quá trình xác minh sẽ củng cố hồ sơ, xác định rõ tính pháp lý các nội dung đã nêu để có biện pháp xử lý dứt điểm theo quy định.

Mặc dù đã có sự vào cuộc tương đối đồng bộ của cơ quan chức năng nhưng điều mong mỏi của thị trấn Trại Cau và phía nhà đầu tư là kết luận cuối cùng về nguồn gốc đất và tính pháp lý của công trình đền Đá Thiên thì đến nay vẫn chưa có. Ngày 2-10, chúng tôi trở lại khu vực đền Đá Thiên và thấy cổng chính công trình đang đóng với thông báo “Gia đình đang sửa chữa, không tiếp khách”. Ông Nguyễn Văn Thọ, thành viên Ban Quản lý đền thông tin: Những người tự xưng là “nhà đền” đã đóng cửa chính được hơn 1 tháng. Khách thập phương tới đây ít hơn và muốn làm lễ thì phải vào bằng cổng phụ. Ngoài ra, họ còn tự ý chặt tỉa cây, cơi nới thêm khung sắt và mái che một số công trình trong khuôn viên đền. 

Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau xác nhận: Dù có thông báo nêu rõ không được thay đổi hiện trạng công trình, nhưng phía “nhà đền” vẫn chặt cây, xây dựng một số công trình khi chưa được chính quyền cho phép. Khi Tổ công tác vào lập biên bản thì họ dừng xây dựng và không có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Chúng tôi thẳng thắn thừa nhận là Ban Quản lý đền sau khi được cộng đồng dân cư bầu ra nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Vấn đề quản lý đền Đá Thiền còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm.

Ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng mỹ thuật Thiên Phúc cho biết: Sau khi được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chúng tôi đã và đang triển khai các bước, như: Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý, bản vẽ thi công để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, tích cực thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng khu vực bãi đỗ xe, cổng tam quan, nhà ga xe điện, ki-ốt bán hàng, Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ… Diện tích đã giải phóng mặt bằng khoảng 18ha. Việc tôn tạo, mở rộng đền Đá Thiên là một trong những điểm nhấn của Khu du lịch sinh thái. Tuy nhiên, những vướng mắc và chậm trễ nhất định trong việc xác định nguồn gốc đất, tính pháp lý công trình trên đất khu vực đền Đá Thiên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện chung của toàn Dự án. Với vai trò là đơn vị đầu tư, tôi đề nghị cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp vào cuộc quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm, tạo điều kiện để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ Dự án theo cam kết; không làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của tỉnh Thái Nguyên.

Khu du lịch sinh thái, văn hóa Đá Thiên có  tổng diện tích quy hoạch khoảng 55ha; tổng vốn đầu tư thực hiện trên 784 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mụcc dự kiến, như: Khu nhà điều hành, quản lý , đón tiếp; khu du lịch, ẩm thực; khu du lịch sinh thái - văn hóa bản địa; khu dịch vụ tâm linh; cây xanh bảo vệ cảnh quan, mặt nước và khu giao thông, bãi đỗ xe. Điểm nhấn cho toàn bộ  quy hoạch là khu tượng Phật Di Lặc ở  vị trí tầm nhìn tốt, chiều cao phù  hợp và khu đền mộ ông Hoàng Bảy được tôn tạo theo kiến trúc truyền thống.