Thời gian qua, bờ sông Cầu đoạn thuộc thôn Phú Cốc, xã Tân Phú (T.X Phổ Yên) xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới diện tích trồng dâu nuôi tằm của bà con. Theo người dân và chính quyền địa phương, nguyên nhân là do việc khai thác trộm cát sỏi tại sông Cầu đoạn chảy qua khu vực này.
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở thôn Phú Cốc, xã Tân Phú đã có từ lâu. Mặc dù quy mô nghề đã bị thu hẹp, nhưng hiện còn gần 50 hộ theo nghề. Để có nguyên liệu chăn tằm, người dân trong thôn đã khai phá hàng chục héc ta đất soi, bãi (soi Dâu) ngoài đê Phú Cốc để trồng dâu. Tuy nhiên thời gian qua, tình trạng khai thác cát sỏi trộm tại đoạn sông này diễn ra phức tạp nên tại soi Dâu bị sạt lở nghiêm trọng khiến bà con thôn Phú Cốc lo lắng sẽ không còn đất để trồng dâu và nghề tơ tằm sẽ bị mai một.
Ông Trần Văn Bốn, người dân thôn Phú Cốc cho biết: Trước đây, dù thời tiết mưa to, nước sông chảy xiết nhưng hầu như bờ sông Cầu đoạn qua thôn Phú Cốc không bị sạt lở. Nhưng, gần 2 năm trở lại đây thì bắt đầu sạt lở, tình trạng này ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay, đoạn bờ sông dài hơn 300m đã bị sạt lở ăn sâu vào bãi gần 70m so với trước đây. Còn ông Trần Văn Toản, thì bảo: Không chỉ gia đình tôi mà hàng chục hộ dân thôn Phú Cốc trông vào nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhưng cứ tình trạng sạt lở như thế này thì một thời gian ngắn nữa, những “bờ xôi, ruộng mật” để trồng dâu sẽ trôi theo dòng nước. Hiện tượng sạt lở ở đây là do nạn “cát tặc” hoạt động rầm rộ tại đoạn sông này trong thời gian qua.
Người dân ở đây cũng phản ánh: Các đối tượng “cát tặc” thường thực hiện khai thác vào ban đêm. Người dân đã nhiều lần phản ánh tới lãnh đạo xã khi thấy các đối tượng khai thác cát trộm, nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng.
Có mặt tại bãi soi Dâu, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh sạt lở đoạn sông này. Nhiều vỉa đất sạt xuống kéo theo những gốc dâu, nhiều thửa ruộng xuất hiện các vết nứt rộng hơn 10cm, dài hàng chục mét. Một số hộ dân cố vớt vát bằng cách buộc túm các gốc dâu lại. Đáng chú ý, cuối soi Dâu có một bãi tập kết cát, sỏi với hàng ngàn khối cát được đổ chất cao như núi. Theo một số người dân, bãi tập kết cát, sỏi này chưa được cấp phép và một bãi tập kết cát, sỏi trái phép nằm cạnh khu vực xảy ra tình trạng khai thác cát trái khiến người dân nghi ngờ, liệu có sự móc nối giữa chủ bãi tập kết cát, sỏi này với các đối tượng cát tặc?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: Thời gian qua, các hoạt động khai thác cát, sỏi trộm diễn ra phức tạp tại sông Cầu, đoạn chảy qua thôn Phú Cốc đã gây nên tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng tới diện tích trồng dâu nuôi tằm của bà con. Tuy nhiên, các đối tượng hút trộm cát, sỏi thường lợi dụng vào ban đêm, thời gian hoạt động thường từ khoảng 0 giờ đến 4 giờ sáng. Bên cạnh đó, đoạn sông Cầu này tiếp giáp với xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) nên khi thấy lực lượng chức năng, các đối tượng khai thác trộm cát, sỏi cho tàu di chuyển sang bên phía địa phận Bắc Giang nên việc xử lý rất khó khăn. Hiện nay, chính quyền địa phương đã báo cáo lên UBND T.X Phổ Yên để có biện pháp ngăn chặn, xử lý... Ông Nguyễn Văn Sơn cũng cho biết thêm, bãi tập kết cát, sỏi Hải Ngọc đã được cấp phép!? Vậy nhưng khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên khẳng định: Bãi tập kết cát, sỏi Hải Ngọc hoạt động trái phép.
Việc đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho rằng bãi tập kết cát, sỏi trên đã được cấp phép, trong khi đồng chí Phó Chủ tịch UBND T.X lại khẳng định chưa được cấp phép càng khiến nghi ngờ của người dân về sự bao che, làm ngơ của chính quyền địa phương với hoạt động khai thác cát, sỏi trộm là có cơ sở... Bởi thế người dân rất mong các cơ quan chức năng của T.X Phổ Yên kiên quyết hơn nữa trong xử lý “cát tặc” và hoạt động trái phép của bãi tập kết cát, sỏi Hải Ngọc. Đồng thời, làm rõ việc có hay không việc tiếp tay của lãnh đạo địa phương đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc này.