Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam nay là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, MTTQ Việt Nam đã có những hình thức tổ chức, tên gọi khác nhau và luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của MTTQ Việt Nam, những năm qua, MTTQ các cấp tỉnh Thái Nguyên không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức thành viên triển khai thực hiện tốt chương trình hành động đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động Nhân dân, phát huy quyền làm chủ, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” gắn với phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM” đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong các tầng lớp Nhân dân, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đô thị văn minh. Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, MTTQ các cấp đã huy động các nguồn lực, vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp công sức, vật chất để xây dựng đường giao thông nông thôn, nước sinh hoạt, điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đến nay, toàn tỉnh có 91 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó có 88 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38,63 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 6,39%.
Các chương trình an sinh xã hội, xây dựng quỹ “Vì người nghèo”, nhân đạo, từ thiện được Ủy ban MTTQ các cấp triển khai sâu rộng, mang tính nhân văn sâu sắc, khơi dậy đạo lý, truyền thống của dân tộc với tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”. Các chương trình “Tháng cao điểm vì người nghèo”; “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo”; ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, thăm hỏi các gia đình chính sách, người có công với cách mạng được tổ chức kịp thời, ý nghĩa. Trong 2 năm 2018, 2019, thông qua Chương trình “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo” đã vận động được trên 45 tỷ đồng; tổ chức trao tặng 32.000 suất quà Tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, bệnh nhân nghèo tập trung ở các xã, xóm đặc biệt khó khăn; chủ trì, phối hợp phát động đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ (1969 - 2019), từ đầu năm 2019 đến nay đã vận động, hỗ trợ xây dựng 273 nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giúp người nghèo vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hoạt động của Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tập trung hướng về cơ sở và địa bàn dân cư, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với tuyên truyền, biểu dương các tập thể, gia đình tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; vận động duy trì tốt các hoạt động tự quản, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, quy ước, hương ước ở cộng đồng dân cư.
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội được quan tâm triển khai thực hiện. Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng chương trình giám sát, phản biện xã hội; lựa chọn các nội dung giám sát, phản biện xã hội tập trung vào các lĩnh vực, các vấn đề được đông đảo Nhân dân quan tâm, như: Việc triển khai, thực hiện kết luận của Thường trực cấp ủy tại các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân; việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; thực hiện chính sách đối với người có công; giám sát thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Hoạt động đối ngoại Nhân dân tiếp tục được tăng cường, đổi mới theo phương châm “chủ động, sáng tạo, hiệu quả”, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tăng cường đoàn kết hữu nghị, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tăng cường hội nhập quốc tế, khu vực, cũng như yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới, MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
MTTQ các cấp cần phát huy tốt vai trò trung tâm trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là “cầu nối” vững chắc giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thiết thực, hiệu quả.
MTTQ các cấp tiếp tục chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư; thực hiện tốt chương trình “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo”; vận động các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ, chăm lo Tết cho người nghèo, giúp người nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Năm 2020 là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, MTTQ các cấp tập trung tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 146-KH/ TU ngày 21/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; tổ chức để Nhân dân tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện của Đại hội; tham gia công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp.
Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát và phản biện xã hội; tăng cường giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí; phối hợp tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; thường xuyên nắm tình hình Nhân dân, phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tạo đồng thuận xã hội.
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gần dân, thiết thực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Đề án số 09-ĐA/TU ngày 29/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp trong tỉnh có phẩm chất và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.