Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức tôn giáo trong cả nước đã phát triển mạnh mẽ, đại đa số các chức sắc, tín đồ chân chính tu hành đúng giáo lý, giáo luật, sống tốt đời, đẹp đạo. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại một số người lợi dụng tôn giáo để thực hiện những hành vi đi ngược với giáo lý và đạo lý của dân tộc, trái với quy định của pháp luật, gây bức xúc trong xã hội.
Cần khẳng định, bản chất của tôn giáo chân chính là luôn hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Đức tin của các tôn giáo đều có chung khát vọng dẫn đường cho con người tu tập, thực hành giáo lý, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, xã hội phồn vinh, hướng con người sống đoàn kết, lương thiện và thương yêu nhau. Những năm qua, nhiều tín đồ, chức sắc chân chính của các tôn giáo trong cả nước đã và đang đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu là tăng ni, phật tử có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý. Năm 2018, tỉnh ta cũng đã biểu dương 70 chức sắc, tín đồ tôn giáo tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, sống “Tốt đời, đẹp đạo”.
Tuy nhiên bên cạnh đó, một số chức sắc, tín đồ vì động cơ không trong sáng, vì lợi ích cá nhân hay do bị kích động đã có hành vi làm trái lời dạy của các đức tin trong tôn giáo, đi ngược lại những giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc. Đó thực chất chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh" cần cả cộng đồng chung tay loại bỏ.
Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân nhưng cũng nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động tôn giáo để lừa đảo, mua chuộc, dụ dỗ, xâm hại đến quyền và lợi ích của công dân, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Thực hành tôn giáo đúng nghĩa luôn được xây dựng trên cơ sở thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi người. Mỗi tín đồ tôn giáo khi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng cần chú trọng thực hiện nghĩa vụ công dân trên cơ sở pháp luật; không tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích Quốc gia, dân tộc. Pháp luật nghiêm cấm lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hay lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để trục lợi, trái với thuần phong mỹ tục, trái với đạo đức, giáo lý.
Mỗi chức sắc, tín đồ và người dân hãy đề cao cảnh giác, kịp thời tố giác, ngăn chặn hành vi của các đối tượng lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật. Đó cũng chính là phương cách để bảo vệ chính mình và bảo vệ xã hội.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”, đồng thời khẳng định các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bị nghiêm cấm: “Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền Quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân” và “lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”. |