Khó khăn nảy sinh sau khi sáp nhập xóm, tổ dân phố

19:47, 08/12/2019

Thực hiện lộ trình sắp xếp, sáp nhập xóm, tổ dân phố (TDP), đến thời điểm hiện tại, nhiều xóm, TDP trên địa bàn tỉnh đã được sáp nhập. Tuy nhiên, trên thực tế, một số xóm, TDP  mới được sáp nhập đang nảy sinh những khó khăn cần được tiếp tục quan tâm tháo gỡ.  

Thực hiện chủ trương sáp nhập xóm, TDP không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước, cuối năm 2018, xóm Khuôn Ruộng và xóm Tân Đào của xã Tràng Xá (Võ Nhai) đã được sáp nhập thành xóm Hợp Nhất. Từ chỗ mỗi xóm có khoảng 200 nhân khẩu, dễ quản lý, đến nay, xóm được sáp nhập có trên 500 nhân khẩu. Nhân khẩu tăng, địa bàn miền núi hiểm trở, dân cư sống rải rác nên việc quản lý xóm khá vất vả. Anh Chu Thanh Hải, Trưởng xóm Hợp Nhất chia sẻ: Trước kia, khi còn làm Trưởng xóm Khuôn Ruộng tôi cảm thấy việc quản lý xóm không mấy khó khăn, còn hiện nay hợp 2 xóm lại nhân khẩu tăng lên gần gấp 3 lần nên việc quản lý rất vất vả. Khó khăn nhất hiện nay là xóm có nhiều đồng bào thiểu số cùng sinh sống, như: Mông, Dao, Tày, Nùng…Văn hóa, phong tục tập quán, đời sống khác nhau nên cán bộ xóm phải bỏ ra rất nhiều thời gian để tìm hiểu, chia sẻ với bà con. Anh Hải cho biết thêm: Nếu có nội dung gì cần tuyên truyền đến bà con, ngoài các cuộc họp tại nhà văn hóa, tôi còn đến các cụm dân cư, có lúc đến tận hộ gia đình để tuyên truyền, vận động. Đi nhiều ắt sẽ tốn kém, trước kia tiền xăng xe của tôi chỉ hết khoảng 300 nghìn đồng/tháng, thì nay hết khoảng 500.000 đồng. Phụ cấp của tôi còn cao (1.788.000 đồng/tháng) nhưng mức chi trả đối với trưởng các đoàn thể của xóm hiện nay rất thấp. Đơn cử, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm hiện chỉ được hưởng hỗ trợ 150.000 đồng/tháng, nếu không có lòng nhiệt huyết thì họ sẽ không làm.

Một khó khăn nữa cũng được anh Hải nêu ra đó là nhà văn hóa (NVH). Hiện nay, Hợp Nhất có 2 NVH của 2 xóm trước sáp nhập để lại. Có một thực tế, nếu bà con  họp ở NVH xóm Tân Đào thì bà con xóm Khuôn Ruộng phải đi rất xa (đi mất khoảng 30 phút) nếu họp ở NVH xóm Khuôn Ruộng thì người dân xóm Tân Đào lại phải đi với chiều ngược lại. Bên cạnh đó, NVH Khuôn Ruộng hay Tân Đào hiện cũng chỉ có sức chứa khoảng 60 chỗ ngồi. Nay nhân khẩu tăng, mỗi lần mời bà con đến họp không đủ chỗ, người đến dự họp sau thường phải ngồi ngoài hiên nên nhiều khi bà con không lĩnh hội được nội dung cuộc họp.

Khảo sát tại địa bàn T.P Thái Nguyên chúng tôi nhận thấycũng có những khó khăn nhất định. Đơn cử như ở tổ dân phố (TDP) 11, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên). Tổ được sáp nhập từ tổ 4 và tổ 35A từ đầu tháng 9 năm 2019. Sau khi được sáp nhập, TDP 11 có 200 hộ và trên 800 nhân khẩu. Bà Nguyễn Thị Hòa, Tổ trưởng TDP 11 thông tin: Việc sáp nhập, kiện toàn xóm, TDP là chủ trương đúng đắn và cần thiết, nên nhận được sự đồng thuận cao từ phía nhân dân, chúng tôi triển khai nhiệm vụ này hết sức thuận lợi. Tuy nhiên, do hiện nay dân số đông nên công việc của chúng tôi nhiều hơn, các tổ chức như: Ban Công tác Mặt trận, Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên… công việc đều tăng gấp đôi, gấp ba lần trong khi thù lao thì lại rất thấp. Đơn cử như Trưởng Ban Công tác Mặt trận TDP chỉ được hưởng 300 nghìn đồng/tháng, trong khi chức danh này ở cơ sở hầu như việc gì cũng đến tay. Cũng như xóm Hợp Nhất, NVH ở TDP 11 cũng không đáp ứng được yêu cầu. Được xây dựng từ năm 2008 (đây là NVH cũ của TDP số 4 để lại), diện tích NVH trật hẹp, chỉ rộng 70m2, với sức chứa trên 100 người, hiện nay với số lượng tập trung mỗi lần họp khoảng 200 người sẽ không đủ chỗ. Bà Hòa cho hay: Mỗi lần tổ chức cho nhân dân hội họp, chúng tôi đã kê thêm ghế ngồi nhưng người dân đi muộn thường phải ngồi ở phía ngoài, nhiều khi triển khai công việc bên trong, người dân bên ngoài không nghe được nên bỏ về. Chúng tôi thấy việc làm NVH mới là hết sức cần thiết, nhưng nếu xây NVH mới thì quỹ đất, kinh phí huy động nhân dân đóng góp là bài toán hết sức nan giải.