Theo Bộ Y tế, vi rút Corona (CoV) là một họ vi rút lớn gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến bệnh nặng, đe doạ tính mạng người bệnh như: Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và Hội chứng Hô hấp Trung đông (MERS-CoV) năm 2012. Từ tháng 12-2019 một chủng vi rút corona mới (nCoV) gây viêm phổi tại tỉnh Vũ Hán, Trung Quốc đã được xác định và hiện đang lây lan nhanh tại Trung Quốc. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 9 giờ ngày 29/1/2020, trên toàn thế giới đã ghi nhận 5.577 (Riêng tại Trung Quốc là 5.494 ca) trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 131 trường hợp đã tử vong (đều tại Trung Quốc) và trên 1.239 người đang trong trường hợp nguy kịch.
Kể từ khi công bố trường hợp mắc bệnh đầu tiên cách đây gần 1 tháng tại Vũ Hán, đến nay đã ghi nhận 83 trường hợp bệnh (có xét nghiệm dương tính với nCoV) tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, đã ghi nhận 64 trường hợp có triệu chứng sốt, có tiền sử đi về từ vùng có dịch, bao gồm 25 trường hợp đã được loại trừ nhiễm nCoV, 39 trường hợp tiếp tục theo dõi cách ly (bao gồm cả 2 trường hợp người Trung Quốc dương tính với nCoV đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy -TP HCM, 01 đã điều trị khỏi, 01 trường hợp trong tình trạng ổn định).
Theo các chuyên gia y tế, người nhiễm nCoV có các triệu chứng cấp tính: Ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, vì vậy chủ yếu điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có). Các ca bệnh nghi ngờ hoặc có thể đều phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh. Ca bệnh cần nhập viện theo dõi và cách ly hoàn toàn.
Theo Bộ Y tế, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ngăn ngừa xâm nhập trường hợp có bệnh từ vùng dịch vào Việt Nam.
Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp chủ động phòng chống bệnh do nCoV như sau:
1. Tránh đi lại du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.
2. Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Tránh chạm tay vào mắt, mũi miệng.
3. Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác và rửa tay.
4. Nếu có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch, hãy thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
5. Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.
6. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.
7. Đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.
Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường như: Tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế… bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác. Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao. Nếu thấy biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.