Giao thông nông thôn đã có nhiều chuyển biến

08:09, 02/01/2020

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo, cứng hóa được trên 8.000km đường giao thông nông thôn (GTNT); có 101/140 xã đạt chuẩn về giao thông theo Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM. Để đạt được kết quả này có vai trò quan trọng của ngành Giao thông - Vận tải. 

Những ngày cuối năm 2019, có dịp đi tìm hiểu thực tế tại một số xóm, xã đã nỗ lực đầu tư xây dựng đường bê tông trong thời gian qua, chúng tôi đều cảm nhận được niềm vui của bà con nhân dân các địa phương.

Tại xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên), anh Nguyễn Gia Chinh, một nông dân ở xóm 1 phấn khởi cho biết: Đến nay, tuyến đường từ khu vực trung tâm xã đi các xóm đều được đổ bê tông rộng rãi, phẳng phiu. Từ khi có đường mới, việc tiêu thụ sản phẩm chè, các loại trái cây của bà con thuận tiện hơn trước rất nhiều. Ngay như gia đình tôi, với đồi chè rộng 0,5ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bình quân mỗi năm thu hoạch được 60 tấn búp tươi, trừ tất cả chi phí còn cho nguồn thu từ 110-120 triệu đồng... 

Còn tại xã Kha Sơn (Phú Bình), ông Phạm Văn Khải, Chủ tịch UBND xã thông tin: Những năm gần đây, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của tỉnh (bằng nguồn xi măng), nhân dân trong xã đã đóng góp được hàng chục tỷ đồng để mua cát, sỏi, hiến 15.000m2 đất, huy động hơn 10.000 ngày công tự tổ chức thi công và giám sát làm đường bê tông nối các thôn, xóm với nhau. Ðến nay, toàn bộ đường trục xã và gần 90% chiều dài đường trục xóm đã được đổ bê tông đạt chuẩn, không những đi lại thuận lợi mà còn là động lực để phát triển kinh tế. 

Trong một cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Báo Thái Nguyên, đồng chí Lê Văn Vịnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có tối thiểu 70% số xã đạt chuẩn về giao thông theo Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn. Do xuất phát điểm về hạ tầng GTNT của tỉnh còn thấp, khi bắt đầu triển khai Chương trình XDNTM (năm 2010), toàn tỉnh mới có 1 xã đạt chuẩn về giao thông theo Bộ tiêu chí nêu trên (đạt 0,7%). Trong khi đó, tổng chiều dài đường GTNT trên địa bàn tỉnh rất lớn, kết nối thiếu đồng bộ, chủ yếu là đường cấp thấp, cấp phối, đường đất. Toàn tỉnh có trên 9.100km đường liên xã, liên xóm, đường nội đồng cần được thi công đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí. Bên cạnh đó, Quy hoạch hạ tầng GTNT ở các địa phương (nhất là cấp xã) còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, sát với tình hình thực tế địa phương. 

Xác định rõ những mục tiêu và khó khăn trong xây dựng hạ tầng GTNT theo Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, được sự chỉ đạo của tỉnh, Sở GT-VT với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đã chủ động, tích cực chung tay cùng các địa phương trong tỉnh từng bước hoàn thiện các chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020 về lĩnh vực GT-VT theo Chương trình XDNTM. Điều đó thể hiện ở một số mặt công tác: Sở GT-VT đã thành lập Tổ công tác của Sở để triển khai thực hiện Chương trình XDNTM của ngành; tích cực tham gia hướng dẫn các địa phương hoàn thiện quy hoạch, xây dựng thiết kế điển hình, hướng dẫn quy trình thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông xi măng; kiểm tra việc thực hiện tiêu chí về giao thông để hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các xã đăng ký đạt chuẩn NTM theo từng năm. Về công tác vận động và hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương xây dựng đường GTNT, cùng với việc vận động hỗ trợ 25 tỷ đồng từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, Đoàn Thanh niên Sở GT-VT đã hỗ trợ toàn bộ chi phí khảo sát, thiết kế và tư vấn giám sát, hỗ trợ 50% chi phí quản lý dự án (với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng) để xã Phú Xuyên (Đại Từ) nâng cấp hệ thống đường trục xã; hỗ trợ xã Phương Giao (Võ Nhai) 60 triệu đồng thi công đường vào khu Lân Thùng, xóm Đồng Dong; hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng đường đầu cầu treo Làng Héo, xã Phượng Tiến (Định Hóa) từ nguồn đóng góp của các cán bộ, công chức, người lao động trong ngành GT-VT tỉnh. Cùng với ngành GT-VT, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực vào cuộc, ưu tiên đầu tư về hạ tầng giao thông, lồng ghép các nguồn vốn để sớm hoàn thành tiêu chí xây dựng giao thông đến năm 2020. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng phong trào bằng việc hiến đất và tài sản trên đất, đóng góp ngày công lao động tham gia làm đường GTNT. Tính từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo, cứng hóa được trên 8.000km đường GTNT (trong đó nhựa hóa và bê tông hóa đường trục xã, liên xã gần 2.000km, cứng hóa đạt chuẩn đường trục thôn, xóm trên 2.700km, cứng hóa đường ngõ xóm và làm đường bảo đảm không lầy lội vào mùa mưa trên 2.800km). Tổng kinh phí đầu tư trong lĩnh vực này là trên 9.300 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách, vốn các chương trình, dự án, tín dụng và nhân dân địa phương đóng góp. Tỉnh ta hiện có 101/140 xã đạt chuẩn về giao thông theo Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, nâng tỷ lệ số xã đạt chuẩn từ 0,7% năm 2010 lên 72% vào cuối năm 2019 (hoàn thành vượt mục tiêu đề ra)... 

Nhờ những giải pháp tích cực, đồng bộ nêu trên, hệ thống hạ tầng GTNT trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, phát huy hiệu quả, vai trò là tạo điều kiện, tiền đề thuận lợi để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, bà con nông dân từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương...