Tại Hội nghị tổng kết thực hiện các chương trình, đề án, dự án, công trình trọng điểm tỉnh giai đoạn 2016-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, đã có đại diện lãnh đạo 10 sở, ngành, địa phương của tỉnh tham gia phát biểu ý kiến, qua đó nêu bật những kết quả đã đạt được, những tồn tại khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm, cũng như đề xuất phương hướng, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến tham luận tại Hội nghị.
Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Đồng chí Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Sở đã tham mưu cho tỉnh phê duyệt Đề án cải thiện môi trường đầu tư và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020. Đến nay, việc thực hiện Đề án đã thu được nhiều kết quả quan trọng, vượt mục tiêu đề ta, từ số doanh nghiệp (DN) được thành lập, thu hút các dự án, huy động vốn đầu tư toàn xã hội, đến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP)... Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của tỉnh, như: Việc giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư còn chưa linh hoạt; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn; năng lực tài chính, kinh nghiệm của một số nhà đầu tư còn hạn chế… Do vậy, trong những năm tiếp theo, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng của cấp ủy Đảng, chính quyền; đổi mới tư duy và phương pháp, cách làm đối với hoạt động xúc tiến đầu tư; quản lý quy hoạch và chú trọng công tác giải phóng mặt bằng; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công; tăng cường sự giám sát của nhân dân và tổ chức đoàn thể tại địa phương đối với các dự án…
Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường vì sự phát triển bền vững
Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Kinh tế của tỉnh những năm gần đây có sự phát triển vượt bậc. Nhưng tỉnh ta cũng phải đối mặt với những vấn đề môi trường ngày càng diễn biến phức tạp. Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, công tác bảo vệ môi trường luôn được tỉnh quan tâm, coi trọng, đặc biệt là cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về môi trường, nhất là trong xử lý rác thải, nước thải. Tại nhiều khu vực, chất lượng môi trường đã được cải thiện, góp phần ổn định và phát triển KT-XH. Để tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu như: Lồng ghép mục tiêu bảo vệ môi trường vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành đối với công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền cũng như thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường…
Nhiều giải pháp đẩy lùi tệ nạn ma túy
Đại tá Đặng Đức Đang, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Việc thực hiện Đề án “Tăng cường phòng, chống và đẩy lùi ma túy trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020” đã phát huy hiệu quả, đó là: Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống loại tội phạm này; đã lập hồ sơ đưa 982 người nghiện vào cai nghiện bắt buộc; duy trì hoạt động 10 cơ sở điều trị, 13 điểm cấp phát thuốc; đã phát hiện, bắt giữ gần 1.797 vụ/2001 đối tượng phạm tội; xây dựng, duy trì được 16/180 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy… Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu Đề án đưa ra đạt thấp. Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ phối hợp với các ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng làm tốt vài trò tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương; chú trọng hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tập trung vào thanh, thiếu niên; tích cực vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm; quản lý chặt số người nghiện ma túy; tập trung điều tra, khám phá các đường dây mua bán các chất ma túy…
Phát huy tinh thần trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền
Đồng chí Phan Mạnh Cường, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên: Giai đoạn 2016-2020, T.P Thái Nguyên triển khai 11 đề án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Các đề án này đã được xây dựng và triển khai theo lộ trình thực hiện cụ thể, phù hợp với thực tế của địa phương, bám sát Nghị quyết của Đảng bộ và mục tiêu được phê duyệt, có một số đề án vượt so với kế hoạch đề ra. Nhờ đó, theo dự ước, các chỉ tiêu KT-XH của thành phố sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức Nghị quyết Đại hội Đảng bộ T.P Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015-2020. Nhiều giải pháp và bài học kinh nghiệm đã được T.P Thái Nguyên rút ra trong quá trình thực hiện, đó là: Chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật đến nhân dân trong quá trình thực hiện các Đề án; phát huy tinh thần trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc để có những giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện các đề án…
Nhiều kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH vùng an toàn khu
Đồng chí Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo công khai, đúng mục đích, đúng đối tượng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo vùng an toàn khu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đã thay đổi căn bản theo hướng tích cực... Từ năm 2017 đến nay, đã có 12 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn hưởng Chương trình 135 (đứng tốp đầu toàn quốc); huyện Võ Nhai đã đủ điều kiện ra khỏi diện hưởng chính sách huyện nghèo; 19/63 xã, 75/94 xóm đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 25,82% (năm 2016) còn 13,6% (năm 2018)… Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, cần thiết thực hiện đồng bộ chính sách phát triển KT-XH bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó ưu tiên vùng khó khăn; phát huy năng lực tự lực, tự cường của các dân tộc...