Bắt đầu từ ý thức người dân

10:28, 21/02/2020

Sau một thời gian tạm lắng, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã xuất hiện trở lại ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều đáng lo ngại là tâm lý chủ quan và thiếu ý thức của một bộ phận người chăn nuôi rất có thể sẽ khiến dịch bệnh lây lan và gây thiệt hại kinh tế trên diện rộng. 

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp - PTNT, từ đầu năm đến nay, các dịch bệnh nguy hiểm ở vật nuôi như lở mồm long móng đã xảy ra tại 7 tỉnh là: Quảng Ninh, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Tiền Giang. Cúm gia cầm xuất hiện tại 5 địa phương là: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Trà Vinh. Với 2 chủng là A/H5N6 và A/H5N1, cúm gia cầm đã có 16 ổ dịch với tổng cộng khoảng 55.000 con bị tiêu hủy. Cúm A/H5N6 có thể lây từ gia cầm sang người và gây tử vong. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: Dịch cúm gia cầm hiện nay có 5 yếu tố nhãn tiền. Đó là mầm bệnh ở Việt Nam phải khẳng định nơi nào cũng có; mật độ chăn nuôi ở mức cao nhất từ trước đến nay; diễn biến thời tiết trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan rất bất lợi cho công tác ứng phó; lưu thông luân chuyển hàng hóa thời điểm này rất lớn, trong đó có gia cầm và các sản phẩm của gia cầm; tập quán, thói quen buôn bán giết mổ ở nhiều vùng còn theo truyền thống nên xác suất lây nhiễm dịch bệnh lúc nào cũng có thể xảy ra. 

Đối với tỉnh Thái Nguyên, hiện có 774 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó 225 trang trại ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật; 32 trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và 56 trang trại an toàn dịch bệnh. Hầu hết các trang trại đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống năng suất cao, chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường. Có thể khẳng định, phần lớn chủ trang trại có ý thức chủ động trong phòng chống dịch bệnh. Cơ quan chuyên môn các cấp cũng tăng cường phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê, đăng ký số lượng vắc-xin tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt là các bệnh: Lở mồm long móng; tụ huyết trùng trâu bò; cúm trên gia cầm... Cùng với đó là phát động tháng khử trùng tiêu độc; hướng dẫn hộ chăn nuôi khử trùng chuồng trại định kỳ bằng hóa chất, vôi bột nhằm tiêu diệt mầm bệnh. 

Dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn rất cao. Nhất là các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán gây khó khăn cho kiểm soát, khống chế bệnh. Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi còn lơ là, chủ quan không chú ý tới công tác tiêm phòng. Khi vật nuôi bị bệnh, nhiều hộ dân không khai báo mà tự mua thuốc về điều trị khiến mầm bệnh phát tán ra ngoài môi trường, lan rộng. Mới đây, Báo Thái Nguyên đăng tải thông tin sự việc hơn 30 bao tải chứa xác gà chết đang bốc mùi hôi thối bị vứt tại khu vực đập cầu Líp (nằm trên sông Con đoạn giáp ranh giữa T.P Sông Công và T.X Phổ Yên) gây ô nhiễm môi trường. Thực tế, việc vứt xác vật nuôi ra sông suối trên địa bàn tỉnh thời gian qua không phải hiếm. Suy nghĩ có phần nhỏ nhen của một số người rằng an toàn nhà mình trước, còn xung quanh thì phó mặc hoặc nhà mình thiệt hại thì người khác cũng phải gánh chung. Một lãnh đạo UBND xã Tân Phú (T.X Phổ Yên) từng rất bức xúc nói với chúng tôi: Nằm ở cuối nguồn kênh cấp nước hồ Núi Cốc nên Tân Phú luôn phải tiếp nhận rác, trong đó có rất nhiều xác vật nuôi. Nhiều nơi phía thượng nguồn phát hiện nhưng không thu gom, xử lý mà tiếp tục đẩy cho trôi đi. Địa phương nhiều lần phối hợp với Trạm Khai thác thủy lợi T.X Phổ Yên để vớt mang đi chôn lấp, phun khử trùng nhưng không xuể.

Thái Nguyên hiện chưa phát hiện ổ dịch cúm gia cầm, các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn cũng triển khai nhiều giải pháp tích cực phòng dịch. Tuy nhiên, để dịch bệnh không bùng phát và lây lan thì yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất phải xuất phát từ ý thức của chính người chăn nuôi.