Đồng thời triển khai các biện pháp cấp thiết

08:58, 28/02/2020

Thời gian này, cùng với phòng, chống dịch COVID-19 ở người, chúng ta phải đồng thời triển khai các biện pháp cấp thiết để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, trong đó đáng ngại nhất là dịch cúm gia cầm (H5N1, H5N6) và dịch lở mồm, long móng ở gia súc. Mục tiêu số một của tỉnh là không để các loại dịch này xuất hiện trên địa bàn. 

Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan bởi diễn biến tình hình dịch trên thế giới đang rất phức tạp. Một số nước đã xuất hiện mới các ổ dịch lớn khiến tỷ lệ người nhiễm và tử vong do COVID-19 tăng cao, trong đó ngoài Trung Quốc có Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran… Với Thái Nguyên, tỷ lệ người trở về từ Trung Quốc và Hàn Quốc khá đông. Bởi vậy, công tác phòng, chống dịch càng phải được quan tâm, thực hiện ở mức cao nhất. 

Đáng lo ngại không kém hiện nay là tình hình dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm, long móng ở gia súc. Theo thông báo của Cục Thú y, hiện cả nước đã có trên 30 ổ dịch cúm gia cầm (H5N1, H5N6) chưa qua 21 ngày ở 8 tỉnh, thành. Tổng số gia cầm chết và bị tiêu hủy ở các địa phương có dịch là gần 100 nghìn con. Cả nước cũng xuất hiện khoảng 80 ổ dịch lở mồm, long móng chưa qua 21 ngày tại 8 tỉnh, thành. Theo nhận định chuyên môn, nếu không có biện pháp quyết liệt ngay từ đầu, dịch bệnh có nguy cơ lây lan diện rộng, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.

Đánh giá mới nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên cho thấy, thực tế ở một số địa phương trong tỉnh còn chủ quan với công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, công tác chỉ đạo triển khai kế hoạch phòng, chống dịch còn chậm, chưa quyết liệt; chưa thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm. Các cơ sở chăn nuôi gia cầm chưa chủ động các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc và tiêm phòng vắc-xin; có hiện tượng vứt xác động vật chết gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh…

Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và các ngành liên quan tập trung cao độ thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, chủ tịch UBND các huyện, thành, thị phải chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Tiếp tục thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến người dân về diễn biến tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng. Chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao để phát hiện dịch sớm, xử lý ổ dịch dứt điểm khi mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch không báo cáo, bán chạy động vật mắc bệnh dẫn đến làm lây lan dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác động vật chết xuống sông, suối, ao, hồ, nơi công cộng; phối hợp với cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định bệnh và áp dụng các biện pháp thu gom, xử lý chôn tiêu hủy theo quy định đảm bảo môi trường. Tổ chức đồng loạt việc tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các khu vực đã từng xuất hiện ổ dịch, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, vùng giáp ranh các tỉnh có dịch và khu vực gần trục đường giao thông, các xã nằm dọc theo tuyến quốc lộ. Rà soát, thống kê, triển khai ngay kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt I/2020 theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Hướng dẫn, tuyền truyền, khuyến cáo, vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng dịch là chính…

Các ngành liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh đảm bảo theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc-xin không bảo đảm chất lượng, các trường hợp cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh, găm hàng gây khó khăn cho người chăn nuôi