Hiệu quả tích cực từ xã hội hóa hoạt động công chứng

14:55, 29/02/2020

Nhu cầu của các tổ chức, cá nhân về công chứng, chứng thực các loại giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ, các loại hợp đồng, giao dịch dân sự, kinh tế ngày càng tăng, do vậy, Nhà nước đã thực hiện xã hội hoá dịch vụ này để thu hút sự tham gia của tư nhân nhằm góp phần giảm tải cho các phòng công chứng của ngành Tư pháp, uBND cấp xã, cấp huyện và đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội.  

Luật Công chứng ra đời đã cụ thể hoá khung pháp lý giúp hoạt động công chứng, chứng thực được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, trở thành dịch vụ công không thể thiếu trong đời sống xã hội, góp phần bảo đảm pháp lý về quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật; ngăn ngừa rủi ro, tranh chấp trong các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế.... Đây cũng là một trong những giải pháp cụ thể và hữu hiệu để thực hiện Nghị quyết số 49 /NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. 

Ngay sau khi có chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng, chứng thực, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh về từng bước chuyển đổi phòng công chứng số 1 và số 2 sang mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần. Cùng với đó, Sở đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động đối với các văn phòng công chức tư nhân.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 phòng công chứng trực thuộc Sở và 13 phòng công chứng tư nhân hoạt động. Bình quân mỗi năm, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh thực hiện khoảng 30 nghìn việc chứng thực (chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng giao dịch) với số phí thu được khoảng 6-8 tỷ đồng (nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1,5 tỷ đồng/năm). Trong đó, có các văn phòng công chứng tư nhân hoạt động khá hiệu quả, như: Bùi Hạ, Trung Thành, Nam Thái, Sông Cầu, an Chung và Văn phòng công chứng phía Nam.

Có mặt tại Phòng công chứng Bùi Hạ (trụ sở tại đường Bến Tượng, T.P Thái Nguyên) chúng tôi thấy rất nhiều khách hàng là đại diện các tổ chức và cá nhân đến thực hiện giao dịch, như: Công chứng hợp đồng vay tiền, thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lãnh; công chứng hợp đồng liên quan đến tài sản là quyền sử dụng đất; thực hiện việc lập di chúc và các giao dịch về thừa kế khác; lập hợp đồng uỷ quyền, giấy uỷ quyền; cấp bản sao văn bản công chứng...

Bà Bùi Thị Hạ, Trưởng phòng Công chứng Bùi Hạ cho biết: Chúng tôi tiếp vài chục khách hàng trong ngày đến thực hiện các giao dịch về nhiều nội dung khác nhau. Do vậy, lượng việc và số phí thu được đều tăng hàng năm. Hoạt động công chứng tại các phòng công chứng tư nhân khác trên địa bàn tỉnh cũng rất sôi động vì các loại văn bản, hợp đồng được công chứng có giá trị như thực hiện tại phòng công chứng của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Giang ở xóm Hùng Vương, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) cho biết: Gia đình tôi rất hài lòng khi liên hệ với phòng công chứng tư nhân về việc có nhu cầu tách đất ở cho con đã có cán bộ đến tận nhà hướng dẫn, hoàn tất thủ tục và mức phí chấp nhận được. Còn ông Frederic Foucher, Phó Chủ tịch Hội đồng Công chứng vùng Rouen - Normandie (Pháp) khi được phỏng vấn về nội dung này đã cho biết: Chúng tôi đánh giá cao nghiệp vụ chuyên môn của các đồng nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên về giao dịch liên quan đến Luật Thừa kế, Luật Hôn nhân gia đình. Qua các lần hội thảo, chúng tôi đã học tập, chia sẻ được nhiều kinh nghiệm về chuyên môn. Qua kết quả hoạt động chuyên môn của các phòng công chứng, chúng tôi thấy nhu cầu được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong quan hệ dân sự tại địa phương rất cao. Đây là tín hiệu vui vì cho thấy sự phát triển kinh tế và ý thức chấp hành pháp luật của người dân tăng lên. 

Cùng với việc tạo điều kiện về cấp phép hoạt động cho các phòng công chứng tư nhân, thời gian qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, UBND 9 huyện, thành, thị tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các tổ chức hành nghề công chứng, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên... để quản lý tốt lĩnh vực này.

Từ thực tế xã hội hoá hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy đây là lĩnh vực có vai trò lớn, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong nền kinh tế thị trường, giảm gánh nặng biên chế và chi ngân ngân sách… Do đó, ngoài việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này, ngành chức năng nên tiếp tục xã hội hoá để thu hút được nhiều thành phần có nguồn lực cùng tham gia thực hiện.