Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Trung ương, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong năm 2020 và các năm tiếp theo cần đẩy nhanh, mạnh hơn nữa, nhất là đối với khối cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh…
Quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW được Trung ương ban hành, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức thực hiện quán triệt, triển khai đến 100% tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên trong tỉnh. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung của 2 nghị quyết trên đã được tỉnh triển khai rộng rãi, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Ðề án số 09-ÐA/TU ngày 29/1/2018 thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kế hoạch số 79-KH/TU, ngày 9/3/2018 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW với mục tiêu đề ra là tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Theo đó, tỉnh tích cực thực hiện tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh gồm các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HÐND, UBND và giám đốc một số ngành chức năng có liên quan để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Ban Chỉ đạo của tỉnh đã nghiên cứu kỹ lưỡng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nội dung các nghị quyết trên vào tình hình thực tế của tỉnh, đề ra những mục tiêu cụ thể, lộ trình phù hợp. Trong quá trình xây dựng chính sách về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tỉnh đã công khai, dân chủ, những việc đã rõ tiến hành thực hiện ngay, những việc chưa rõ, chưa có quy định cụ thể, còn có nhiều ý kiến khác nhau đã được các cấp, ngành bàn bạc, cân nhắc thực hiện, thận trọng nên không gây gián đoạn hoặc sự thay đổi đột ngột tại các đơn vị, địa phương khi triển khai.
Tiên phong, gương mẫu của khối cơ quan Đảng
Sau gần 2 năm thực hiện các nghị quyết nói trên, tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật, như: Thực hiện thống nhất Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy (từ ngày 1/1/2018); kết thúc hoạt động của Ðảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh (từ ngày 1/1/2019). 9 huyện ủy, thành ủy, thị ủy trong tỉnh thực hiện trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ; trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị; 100% số huyện, thành phố, thị xã chuyển chức năng tham mưu về công tác dân tộc, tôn giáo của ban dân vận về ủy ban MTTQ cấp huyện. 6/9 huyện ủy, thành ủy, thị ủy có bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HÐND; 5/9 bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; 127/180 xã, phường, thị trấn có bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HÐND; 9/180 xã, phường, thị trấn có bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng cấp phó của các ban xây dựng Ðảng và Văn phòng Tỉnh ủy theo Quy định số 04-QÐi/TW của Ban Bí thư. Sau sắp xếp, các ban xây dựng Ðảng và Văn phòng Tỉnh ủy, Báo Thái Nguyên, Trường Chính trị tỉnh đã giảm 14 đầu mối cấp phòng, giảm 6 trưởng phòng và 15 phó trưởng phòng. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh giảm 13 đầu mối cấp phòng, giảm 3 đơn vị sự nghiệp. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện đang triển khai mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho cả khối. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh theo hướng chuyển giao cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ về Bệnh viện Phục hồi chức năng (Sở Y tế)...
Khối quản lý Nhà nước và sự nghiệp còn nhiều việc phải làm
Trong thời gian qua, các cơ quan hành chính thuộc UBND tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế. Cụ thể, các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh giảm được 73 đơn vị (trong đó trực thuộc UBND tỉnh: 4 đơn vị; trực thuộc sở: 34 đơn vị; trực thuộc UBND cấp huyện: 35 đơn vị). Về biên chế, toàn tỉnh đã giảm được 1.553 biên chế (171 biên chế công chức hành chính, 1.382 biên chế sự nghiệp). Tỉnh đã tiến hành rà soát, xác định trên địa bàn toàn tỉnh có một số xã, phường và 1.098/3.032 xóm, tổ dân phố (chiếm 36%) không đáp ứng đủ về tiêu chí diện tích, dân số phải thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập theo quy định của Trung ương. Ðến nay, tỉnh đã sáp nhập được 41 xóm để thành lập 17 xóm mới, giảm 24 xóm, sáp nhập 4 phường, xã (giảm được 2 xã). Đồng thời, tỉnh đã thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đối với 117 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn với tổng số tiền là gần 18 tỷ đồng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nổi bật nhưng qua rà soát, đánh giá của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của tỉnh còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc; chưa đạt được trọn vẹn mục đích, yêu cầu đề ra. Đơn cử như các cơ quan hành chính cấp tỉnh đã xây dựng xong Ðề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng giảm 5/17 chi cục và tương đương, 48/150 phòng thuộc sở, bốn phó giám đốc sở nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xong. Ðối với việc xắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Giao thông - Vận tải (Trung tâm Kiểm định xe cơ giới Thái Nguyên; Trung tâm kiểm định chất lượng công trình giao thông; Trường Trung cấp nghề giao thông); Sở Xây dựng (Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng; Viện Quy hoạch Xây dựng); Sở Y tế và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chưa triển khai sáp nhập xong Bệnh viện Phục hồi chức năng với Bệnh viện Phục hồi chức năng và Chỉnh hình... Khối các sở, nghành cấp tỉnh cũng chưa mạnh dạn đăng ký triển khai sáp nhập theo gợi ý của Bộ Nội vụ (Sở Xây dựng sáp nhập với Sở Giao thông - Vận tải; Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính; Thanh tra với Ủy ban Kiểm tra; Nội vụ với Tổ chức…). Việc tinh giản biên chế tại các đơn vị, địa phương cũng đặt ra nhiều áp lực khi Ban Chỉ đạo của tỉnh yêu cầu trong năm 2020 và 2021 cần cắt giảm trên 3 nghìn vị trí việc làm nhưng đến nay quá trình thực hiện có dấu hiệu chùng xuống. Việc sắp xếp văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã cũng đã có kế hoạch nhưng đến đầu năm 2020 cũng chưa triển khai xong…
Qua thực tế cho thấy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã được thực hiện, như: Các ban Đảng; Văn phòng Tỉnh ủy; Trường Chính trị tỉnh; Báo Thái Nguyên; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế); Trung tâm Dịch vụ Văn hóa, thông tin và Truyền thông của 9 huyện, thành, thị… đều hoạt động ổn định, có kết quả tích cực so với trước khi cắt giảm đầu mối, tinh giản biên chế. Như vậy, có thể thấy chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là đúng đắn, rất thiết thực, phù hợp với quy luật phát triển nên cần triển khai quyết liệt hơn nữa trên địa bàn toàn tỉnh. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh còn thực hiện chậm khi Trung ương đã có văn bản hướng dẫn cụ thể hoặc gợi ý tinh thần tiên phong đăng ký sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nên cần được xem xét, nhất là đối với người đứng đầu.