Quản lý tốt người lao động đến, đi qua vùng dịch

08:30, 28/02/2020

Trước những diễn biến mới về tình hình dịch bệnh COVID-19, tỉnh Thái Nguyên đã áp dụng nhiều biện pháp để quản lý người lao động đến hoặc đi qua vùng có dịch. Trong đó, thực hiện việc cách ly, kiểm soát đối với người đến từ tâm dịch Daegu (Hàn Quốc); giám sát đối với lao động Việt Nam trở về từ Hàn Quốc, khách du lịch, chuyên gia, người lao động đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.  

Hàn Quốc hiện là một trong những tâm dịch mới của COVID-19. Nơi này tập trung khá nhiều lao động Việt Nam trong đó có lao động người Thái Nguyên. Trong tình hình số ca bệnh tại Hàn Quốc gia tăng nhanh chóng, lao động Việt Nam tại đây đang bị ảnh hưởng khá nhiều. Chị Nguyễn Thanh Hoa, du học sinh người Thái Nguyên tại thành phố Incheon (Hàn Quốc) lo lắng: Vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên hai vợ chồng tôi tạm thời đang được nghỉ học. Tôi cũng chủ động nghỉ làm thêm. Liên tục mỗi ngày, tôi cập nhật tin tức về số người nhiễm COVID-19, xem xét biểu đồ để biết khu vực mình sống có ai bị nhiễm bệnh hay không. Tôi dự định nếu tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn sẽ trở về nước, chấp nhận cách ly y tế.

Còn chị Hoàng Quỳnh Nhung đang làm việc tại một công ty tài chính tại Seoul (Hàn Quốc) chia sẻ: Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhóm người Việt ở Hàn Quốc thường xuyên cập nhật thông tin từ các nguồn tin chính thống cũng như thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại đây. Mọi người đều cố gắng trấn an, động viên nhau thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị Nguyễn Thanh Huyền, một thợ làm tóc tại Seoul cho hay: Vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên cửa hàng của tôi hầu như không có khách. Nếu tình hình này kéo dài tôi sẽ trở về nước. Hy vọng nếu tình hình dịch bệnh quá nghiêm trọng, Chính phủ sẽ hỗ trợ chúng tôi. 

Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Toàn tỉnh hiện có 339 người đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trinh EPS, trong đó, lao động tại tâm dịch Daegu là 7 người và 1 người tại quận Cheongdo. Những lao động này đã được liên lạc, khuyến cáo và nắm bắt thông tin sức khỏe thường xuyên. Không chỉ tại Hàn Quốc, người lao động Thái Nguyên tại Nhật Bản cũng đang trong tình trạng lo lắng. Chị Nguyễn Thanh Vân, lao động tại thành phố Nagaoka (Nhật Bản) bộc bạch: Tại  nơi tôi sống, tất cả mọi người đều nâng cao ý thức phòng ngừa dịch bệnh. Gia đình tôi hàng ngày đều lau nhà bằng cồn sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa sạch tay theo khuyến cáo. 

Theo thống kê, Thái Nguyên hiện có trên 1.000 lao động người nước ngoài đang làm việc. Tính đến ngày 25-2, toàn tỉnh có 773 lao động quốc tịch Hàn Quốc, 78 người đến từ Trung Quốc và 6 người đến từ Nhật Bản. Trước đó, do tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, tỉnh đã tạm dừng cấp phép cho lao động nước này đến làm việc. Các lao động người Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn được cấp phép nhưng phải thực hiện theo dõi, cách ly y tế. 

Trước những diễn biến mới của dịch bệnh COVID19, tỉnh Thái Nguyên đã tiếp tục chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống. Trong đó, quản lý và nắm bắt chặt chẽ các đối tượng đến hoặc đi qua vùng dịch để thực hiện giám sát, cách ly theo quy định; thực hiện giám sát, cách ly bổ sung đối với những người đến từ hoặc đi qua Nhật Bản, Hàn Quốc, nhất là Daegu và Gyeongsangbuk (Hàn Quốc). Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo chuẩn bị khu cách ly dự phòng; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, đa dạng hóa ngôn ngữ tuyên truyền…

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc và phối hợp với cơ quan y tế cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày đối với là 436 người Hàn Quốc đang làm việc tại các khu công nghiệp đăng ký tạm trú trên địa bàn tỉnh (số còn lại đi về trong ngày tại các tỉnh khác). Được biết, trong số những lao động Hàn Quốc tại Thái Nguyên, có 109 người đến tỉnh Thái Nguyên từ 10/2/2020. Qua 14 ngày theo dõi, các trường hợp này không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

Thực hiện sự chỉ đạo của Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số lượng lao động đang làm việc tại các thị trường, chi tiết tới từng địa phương, khu vực. Đồng thời, nêu các phương án hỗ trợ người lao động tại nước ngoài, hỗ trợ người lao động về nước, cách ly, chữa bệnh khi người lao động về nước. Các phương án theo quy mô lao động, đồng thời, phối hợp với ngành Y tế cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện đảm bảo và việc kết nối các giải pháp ngoại giao, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận lao động. Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm quản lý lao động nước ngoài đến từ vùng dịch hay di chuyển qua các vùng dịch, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cùng với quản lý người lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã gắn công tác phòng dịch COVID-19 vào hoạt động an toàn lao động năm 2020, chỉ đạo các doanh nghiệp, địa phương rà soát lại toàn bộ trang bị lao động; tuyên truyền, lồng ghép công tác huấn luyện an toàn lao động…