Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến hết tháng 12-2020, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mới phải hoàn thành việc triển khai đối với Kho bạc Nhà nước (KBNN) cấp huyện, nhưng công việc này đã được KBNN Thái Nguyên hoàn thành từ cuối năm 2019. Kết quả này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt là các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), đồng thời giúp hiện thực hóa mục tiêu trở thành Kho bạc điện tử trong năm nay mà KBNN Trung ương đề ra…
Tiên phong triển khai trong toàn tỉnh
Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc KBNN tỉnh: DVCTT đã được triển khai trong nội bộ ngành Kho bạc từ năm 2017. Ngoài vai trò là đơn vị kiểm soát, KBNN cũng là đơn vị sử dụng ngân sách nên trong quá trình triển khai, từng bộ phận, cán bộ vừa làm vừa rút kinh nghiệm để trên cơ sở đó hướng dẫn cho các đơn vị. sau khi đã vận hành trơn tru trong toàn hệ thống, đầu năm 2018, KBNN Thái Nguyên triển khai đến các đơn vị theo tinh thần đơn vị nào có đủ các điều kiện thì làm trước, không làm ồ ạt, để việc hỗ trợ của KBNN được chuyên sâu. Khi các đơn vị thấy được tiện ích thiết thực DVCTT mang lại sẽ tạo ra sức lan tỏa đối với các đơn vị khác. Quả nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, số lượng đơn vị đăng ký tham gia ngày càng tăng. Trên cơ sở này, từ đầu năm 2019, KBNN tỉnh đã triển khai đồng thời đến tất cả các đơn vị và mục tiêu đặt ra là hoàn thành trong quý III, mặc dù theo lộ trình, KBNN 6 huyện đến năm 2020 mới phải thực hiện. Kết quả là đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có 1.396/1.406 đơn vị giao dịch thực hiện, đạt tỷ lệ 99,3%. số đơn vị còn lại chưa phải triển khai, thuộc về khối an ninh, quốc phòng.
Còn theo ông Hoàng Việt Hà, Phó Trưởng phòng Tài vụ - Quản trị: Để giúp các đơn vị thực hiện được dịch vụ này, KBNN tỉnh đã thành lập tổ hỗ trợ với 9 thành viên. Vào thời điểm đó, từ sáng đến tối, kể cả ngày nghỉ, điện thoại của chúng tôi lúc nào cũng “nóng”. Các vướng mắc xung quanh công việc rất đa dạng, có khi chỉ là do chủ tài khoản chưa có hộp thư điện tử nên khi đăng ký đã tự nghĩ ra một cái tên nào đó cho đủ thủ tục nên khi KBNN chuyển dữ liệu theo địa chỉ đó họ không thể nhận được, lại mất thời gian tìm hiểu nguyên nhân và gửi lại; cũng có đơn vị, do độ bảo mật cao nên không thể đẩy được dữ liệu lên hệ thống, buộc phải có thêm thời gian để ngành chủ quản khắc phục… Từ những khó khăn gặp phải của các đơn vị làm trước, chúng tôi đã lập ra danh sách phần việc để các đơn vị chuẩn bị. Nhờ đó, việc triển khai sau này đã hạn chế được nhiều vướng mắc.
Thuận tiện trong sử dụng
Theo chị Phạm Thị Lan Anh, Kế toán trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Đại Từ: Khi chưa hiểu về DVCTT, tôi không mấy hào hứng. 2 tuần đầu sử dụng, do chưa quen nên lượng hồ sơ bị đẩy lại cũng khiến có lúc cảm thấy phiền phức. Nhưng bù lại, luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của KBNN và đơn vị cung cấp dịch vụ là VNPT. Đến nay, tròn 8 tháng sử dụng dịch vụ này, tôi rất hài lòng. Nếu như trước đây, vào tháng 12, lượng hồ sơ, chứng từ của đơn vị nhiều nên gần như ngày nào tôi cũng phải có mặt tại Kho bạc, thì tháng 122019, tôi chỉ còn phải ra Kho bạc 2 lần. Một ưu điểm nữa mà tôi thấy hài lòng đó chính là việc nộp hồ sơ lên hệ thống được thực hiện mọi lúc, mọi nơi và hiển thị thời gian nộp. Thế nên, sẽ không có sự ưu tiên nào trong việc giải quyết và người nộp không lo đến kho bạc muộn giờ hoặc chờ đến lượt.
Quả thật, điểm nổi trội của DVCTT chính là sau khi kế toán đơn vị hoàn thiện hồ sơ, chứng từ có thể chuyển ngay tới chủ tài khoản; chủ tài khoản sẽ phê duyệt bằng chữ ký điện tử, đẩy lại cho kế toán để nộp vào hệ thống của Kho bạc. Từ đây, với chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, cả chủ tài khoản và kế toán đều có thể biết được hồ sơ đang ở khâu nào, có sai sót gì không, nếu có sẽ được báo trả trên hệ thống để sửa… Tất cả công việc đều được thực hiện trên máy tính, thay vì phải đi lại trực tiếp như trước kia. Đến nay, số chứng từ thanh toán qua DVCTT của KBNN Thái Nguyên đã đạt trên 65% trong tổng số chứng từ phát sinh qua KBNN.
Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách ở xa trung tâm huyện thì DVCTT có lẽ còn có ý nghĩa gấp nhiều lần. Chị Hứa Thị Mùi, kế toán xã Nghinh Tường (Võ Nhai) đã rất phấn khởi khi chia sẻ với chúng tôi: Từ xã tôi đến huyện là 50km. Như vậy, cả đi và về là 100km, rất vất vả, mất thời gian và cả kinh phí. Đó là chưa kể nếu hồ sơ sai sót, phải mang về sửa thì lại thêm 1 lần đi nữa. Lần nào cũng vậy, muốn đi Kho bạc, tôi cũng phải đi từ sớm. Nếu kết hợp giải quyết thêm công việc tại một số đơn vị khác, tôi mất trọn cả ngày; không thì đầu giờ chiều cũng mới về tới xã. Từ khi sử dụng DVCTT, tôi thấy nhàn nhiều và có thời gian cho công việc chuyên môn nhiều hơn.
Nhờ triển khai DVCTT nên hiện lượng người đến giao dịch tại KBNN tỉnh giảm đáng kể.
Những kiến nghị, đề xuất
Có thể thấy, hiệu quả mang lại từ DVCTT đối với các đơn vị sử dụng ngân sách do KBNN triển khai rất thiết thực và được các đơn vị sử dụng ngân sách đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tế tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận được một số khó khăn, hạn chế, nếu được khắc phục sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho cả KBNN cũng như các đơn vị sử dụng ngân sách.
Thứ nhất là tình trạng hồ sơ liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản hiện hầu như chưa thể thực hiện bằng hình thức này do số lượng chứng từ nhiều, để đẩy lên được hệ thống mất rất nhiều thời gian, thậm chí là không thể đẩy được. Vì thế, loại hồ sơ này vẫn phải tiếp nhận theo cách truyền thống.
Thứ hai là tình trạng quá tải công việc đối với công chức KBNN cấp tỉnh. Trong khi các đơn vị sử dụng ngân sách chuyển hồ sơ đến KBNN thì công chức bộ phận kiểm soát chi nhận, kiểm soát và nhập vào phần mềm kế toán của Kho bạc, rồi in ra trình lãnh đạo ký. Sau đó giao hồ sơ cho bộ phận kế toán kiểm soát. Bộ phận kế toán vừa phải kiểm tra hồ sơ trên giấy, vừa phải kiểm tra và phê duyệt chứng từ trên hệ thống TAMIS, sau đó chuyển sang các chương trình thanh toán và kết thúc với việc lãnh đạo KBNN ký bằng chữ ký số. Như vậy, việc điện tử hóa ở đây chưa thực sự toàn diện, khiến bộ hồ sơ đó vẫn phải in ra để kiểm soát giữa hai bộ phận kiểm soát chi và kế toán.
Thứ ba là tính bảo mật đối với chữ ký số. Trong khi trước đây, chứng thư số của chủ tài khoản được cấp bởi Ban Cơ yếu Chính phủ và chữ ký này được quản lý theo diện mật, thậm chí là tối mật. Vậy nhưng, khi triển khai DVCTT, do lượng chữ ký số cần phải cấp cho các chủ tài khoản và kế toán trưởng lên tới hàng trăm nghìn người nên đã cho phép sử dụng chữ ký số công cộng do một số đơn vị dịch vụ cung cấp như VNPT hay Viettel. Trong khi đó, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, một số chủ tài khoản chưa nhận thức hết được chứng thư số chính là chữ ký thật của mình nên trách nhiệm bảo mật đối với chữ ký số chưa đúng mực. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện giao dịch, vẫn còn xảy ra tình trạng nghẽn mạng, khiến việc chuyển hồ sơ có lúc chậm, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ.
Hy vọng, với những kết quả bước đầu mà ngành KBNN đạt được sẽ là tiền đề để hệ thống KBNN toàn quốc hoàn thành việc triển khai DVCTT theo đúng lộ trình đã đặt ra, từ đó hiện thực hóa mục tiêu Kho bạc số. Cùng với đó sẽ khắc phục những hạn chế, tồn tại giúp việc điện tử hóa được thực hiện toàn diện cũng như đảm bảo độ an toàn đối với cả ngành Kho bạc cũng như các đơn vị sử dụng NSNN.