Công ty cổ phần Tập đoàn Danko được UBND T.P Thái Nguyên ký hợp đồng thực hiện Dự án khu nhà ở Cao Ngạn với diện tích thực hiện gần 50ha, thuộc địa bàn xã Cao Ngạn và phường Chùa Hang, tổng vốn đầu tư là 1.300 tỷ đồng. Dự án được khởi công trong tháng 7-2019 và dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Trong quá trình thi công mặt bằng, nhiều người dân ở gần Dự án đã kiến nghị về việc doanh nghiệp thi công lấp mương rãnh, cống thoát nước, gây ngập úng, ảnh hưởng cuộc sống người dân.
Ông Dương Văn Bình, ở tổ dân phố 2, phường Chùa Hang (T.P Thái Nguyên) cho biết: Mấy cơn mưa lớn vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý tuy không kéo dài nhưng quanh khu vực nhà tôi đã xuất hiện tình trạng ngập úng. Nguyên nhân là do rãnh thoát nước của khu dân cư bị lấp kín khi đơn vị thi công Dự án thực hiện san lấp mặt bằng. Trước khi dự án thi công, tình trạng này chưa bao giờ xảy ra.
Ngoài việc cống thoát nước của khu dân cư bị lấp kín, nhiều hộ ở tổ dân phố 2 còn lo lắng trong mùa mưa tới khu vực này sẽ bị lụt sâu bởi con suối Phúc Lộc chảy qua địa bàn tổ có đoạn đã bị nắn dòng để phục vụ thi công dự án. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Tổ trưởng tổ dân phố 2 cho biết: Trước kia suối rất rộng, vừa là nơi thoát nước trong mùa mưa vừa phục vụ một số diện tích trồng màu của các hộ dân. Khi Dự án thi công, đoạn suối chảy ra sông bị san lấp, đơn vị thi công đã đào đường dẫn nước khác để nắn dòng chảy của suối nhưng độ rộng đường dẫn nước này rất nhỏ so với con suối trước kia, nếu không có phương án xử lý dễ xảy ra ngập lụt khu dân cư vào mùa mưa khi nước từ đầu nguồn đổ về mà không kịp thoát. Toàn tổ có trên 300 hộ dân thì có khoảng hơn 50 hộ có nguy cơ bị ngập lụt.
Việc lấp mương, rãnh thoát nước không chỉ xảy ra ở tổ dân phố 2 phường Chùa Hang mà còn xảy ra ở xóm Phúc Lộc, xã Cao Ngạn, ảnh hưởng đến việc sản xuất, sinh hoạt khiến nhiều người dân bức xúc.
Bà Vi Thị Nguyên, một người dân ở xóm cho biết: Gia đình tôi có gần 10 sào trồng màu nhưng vụ đông vừa rồi một nửa diện tích tôi không dám canh tác vì mương dẫn nước bị lấp không có nước để tưới cho rau. Với tình trạng san lấp thế này, mùa mưa tới các cánh đồng ở đây cũng dễ bị ngập úng vì không có chỗ thoát nước.
Qua thực tế chúng tôi thấy, hiện nay đơn vị thi công Dự án đã thực hiện san lấp nhiều diện tích trong quy hoạch của phường Chùa Hang và xã Cao Ngạn. Đoạn suối chảy qua tổ dân phố 2, phường Chùa Hang nhiều chỗ gần như bị lấp kín, dòng chảy của suối được dẫn sang một số đoạn mương mới đào, có đặt cống thoát nước nhưng ống cống rất nhỏ, bởi thế lo lắng về tình trạng ngập úng trong mùa mưa của người dân là có cơ sở.
Ông Vi Tân Cảnh, Chủ tịch UBND phường Chùa Hang cho biết: Toàn phường có 5 tổ dân phố có đất liên quan đến Dự án với tổng diện tích 36ha. Trước khi thực hiện Dự án, phường cũng đã có ý kiến cần phải đảm bảo hệ thống nước sinh hoạt và hệ thống tiêu thoát nước cho các khu dân cư. Tuy nhiên, thời gian gần đây người dân trên địa bàn đã kiến nghị về việc đơn vị thi công san lấp làm ảnh hưởng hệ thống thoát nước của một số khu dân cư. Do vậy, lãnh đạo UBND phường Chùa Hang đã cử cán bộ xuống kiểm tra thực tế và sẽ làm đơn gửi UBND T.P Thái Nguyên để phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Danko xử lý đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.
Mặc dù địa phương không nằm trong Dự án nhưng bà Phó Thị Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Hóa Thượng cũng bày tỏ sự lo lắng về vấn đề tiêu thoát nước khi xã có xóm Hưng Thái và Đồng Thịnh nằm giáp ranh với tổ 8, phường Chùa Hang. Theo bà Thủy, 2 xóm trên có khoảng 500 hộ dân, trong đó có trên 100 hộ nằm ở trong khu vực sâu trũng và đầu nguồn suối Phúc Lộc, nếu việc tiêu thoát nước cuối nguồn không đảm bảo thì nước sẽ dồn ngược về dễ gây ngập úng cho các hộ. Điển hình như đợt mưa hồi đầu năm, đã có 1 số hộ nằm trong khu vực “lòng thuyền” bị úng nước.
Trước những kiến nghị nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, Công ty cổ phần Tập đoàn DanKo cần có biện pháp giải quyết những băn khoăn, lo lắng của người dân trong thời gian sớm nhất.