"Giải cứu” nông sản và cách làm

14:59, 12/03/2020

Giải cứu nông sản cho nông dân khi hàng hóa sản xuất ra dư thừa, không kịp tiêu thụ, để lâu sẽ hỏng hay khi gặp thiên tai, nông sản phải thu hoạch tức thì, không kịp chế biến bảo quản… là việc làm ý nghĩa, rất cần thiết. Tuy nhiên, không ít người đã lợi dụng việc “giải cứu” nông sản để buôn gian, bán lận về số lượng, giá nhằm trục lợi. Một số cơ quan, đoàn thể khi muốn giúp bà con nông dân lại nghĩ ra cách mua về rồi bày ngay ra cổng cơ quan để bán nên nhếch nhác, vất vả mà số lượng không được nhiều…  

Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, những mặt hàng nông sản có tác dụng nâng cao khả năng đề kháng, phòng dịch cho người, như: Hành, tỏi, ớt, xả, bồ kết… đã tăng giá hàng chục lần so với thời điểm không có dịch bệnh và trở nên khan hiếm vì có quá nhiều người săn tìm. Ngược lại, khi hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do dịch bệnh, hàng hóa tồn ứ tại các cửa khẩu, nơi sản xuất nên nhiều mặt hàng nông sản không bảo quản được lâu và khâu chế biến còn hạn chế, như: Dưa hấu, sầu riêng và ngay cả mặt hàng cao sang như tôm hùm đã được nhiều đơn vị, địa phương, người dân rất nghĩa hiệp phát động các phong trào “giải cứu”.

Nhận thức được việc “giải cứu” nông sản để giúp đỡ nông dân trong thời khắc khó khăn là việc làm nhân văn, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” nên đồng loạt người dân trong nước đăng ký mua hàng với lượng nhiều hơn ngày thường. Việc làm này đã góp phần tiêu thụ lượng lớn nông sản cho nông dân với giá bán vẫn có lãi. Đơn cử như sản phẩm tôm hùm sau 1 tuần “giải cứu” lại “cháy” hàng, giá cao ngất ngưởng. Nhưng chỉ ít ngày sau phong trào “giải cứu” nông sản lan rộng, tại các tỉnh, thành, nhất là ở những địa phương gần biên giới có cửa khẩu giáp với Trung Quốc đã có sự biến tướng khi một số tư thương, người buôn bán nhỏ lẻ lợi dụng việc này để trục lợi bằng cách mua sản phẩm nông nghiệp có giá thấp gắn mác “giải cứu” rồi giao bán với giá cao. Nhiều loại nông sản, thủy hải sản có giá trị, lượng hàng hóa không bị tồn đọng nhiều nhưng vẫn bị người buôn đưa lên mạng, đề nghị được “giải cứu” với mục tiêu tiêu thụ nhanh, được giá. Nhiều người dân không nắm được thông tin, lại muốn quan tâm, chia sẻ khó khăn với nông dân nên không ngần ngại mua lượng lớn hàng hóa. Đơn cử, từ cuối tháng 2 đến nay, trên địa bàn tỉnh có một số điểm thông báo bán dưa hấu, thanh long, sầu riêng, tôm hùm, rồi hàu, ngao… và nhiều loại sản phẩm khác đề nghị người tiêu dùng “giải cứu”.

Chị Nguyễn Thị Hải, ở phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) thông tin: Tôi xem trên mạng thấy nội dung tôm hùm ở các tỉnh miền Trung và Nam Bộ không tiêu thụ kịp, người nuôi thua lỗ, khó khăn nên đã đặt mua cho mỗi người trong gia đình một con và mua biếu người thân. Dù phải bỏ ra số tiền không nhỏ nhưng tâm trạng tôi thấy thoải mái vì mình đã làm được việc ý nghĩa. Nhưng gần đây thấy cơ quan báo chí phản ánh có nhiều người buôn bán lợi dụng việc khó khăn của nông dân để mua tôm hùm giá thấp rồi đề nghị “giải cứu” bán với giá cao kiếm lời.

Một cán bộ làm nhiệm vụ trật tự đô thị của T.P Thái Nguyên lại chia sẻ, tình trạng vi phạm hành lang giao thông trên địa bàn thời gian qua phức tạp hơn vì xuất hiện các điểm bán hàng “giải cứu” nông sản nhưng lực lượng chuyên môn rất băn khăn khi xử lý, người bán hàng rong thì bì tỵ… Vậy vấn đề “giải cứu” nông sản nên xử lý ra sao? Nhiều người được hỏi về vấn đề này đều cho rằng đây là việc làm tốt, thể hiện trách nhiệm với người nông dân khi gặp khó khăn nhưng nên có cách làm phù hợp. Ví dụ như ở những địa phương có sản phẩm dư thừa do đột ngột gặp khó khăn về xuất khẩu, thiên tai phải thu hoạch gấp thì đại diện chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể nhanh chóng thống kê, có văn bản gấp đến những địa phương phụ cận đề nghị đăng ký mua giúp rồi vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân “giải cứu” để tránh qua các khâu trung gian, có kẻ xấu lợi dụng. Nhưng đây cũng chỉ là việc làm tức thời, không bền lâu mà nên có giải pháp bền vững là xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với chế biến. Cơ quan chức năng của các địa phương cũng cần thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn để dự báo sản lượng, thị trường, tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm; khuyến cáo việc bà con nông dân có thói quen sản xuất nông nghiệp theo phong trào, tự phát. 

Đặc biệt, mỗi hộ nông dân cũng nên nhạy bén, khi đầu tư sản xuất quy mô cần nghĩ đến lúc tiêu thụ; hạn chế sản xuất, chăn nuôi quy mô lớn vào những tháng thời tiết dễ xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Có như vậy, chúng ta mới có thể bớt đi các chiến dịch “giải cứu” sản phẩm nông nghiệp không muốn có.