Giải pháp tình thế của Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên

17:33, 02/03/2020

Trước tình trạng sụt lún, mất nước, nứt nhà do hoạt động khai thác tầng sâu núi quặng của Mỏ sắt Trại Cau (Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên) gây ra ở xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ), mới đây, tại cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức, doanh nghiệp đã cam kết sẽ cho tạm dừng hoạt động khai thác, chậm nhất vào cuối tháng 5-2020. Việc này có thể xem là tín hiệu đáng mừng với những hộ dân bị ảnh hưởng, song về phía doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn.

Tình trạng sụt lún, mất nước, nứt nhà xảy ra trên địa bàn thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị đã xảy ra từ năm 2016, 2017. Trước thực tế trên, được sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, UBND huyện Đồng Hỷ đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra trong nhiều năm bởi doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác. Đến nay, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ dân và chi phí khác liên quan đến Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên là gần 45 tỷ đồng. Do khó khăn về kinh tế, Công ty đã đề nghị và được UBND tỉnh chấp thuận cho vay kinh phí để chi trả tiền hỗ trợ cho nhân dân, đồng thời Công ty cam kết sẽ cho tạm dừng hoạt động khai thác tầng sâu núi quặng để ổn định đời sống cho nhân dân.

Việc tạm dừng hoạt động khai thác tại Mỏ sắt Trại Cau là tin vui với các hộ dân chịu ảnh hưởng ở xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau, bởi từ nay bà con xung quanh khu vực sẽ không phải sống trong cảnh thấp thỏm vì sợ nhà ở đổ, đất sụt lún, mất nước. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho biết: Dù địa phương chưa nhận được văn bản chính thức về việc tạm dừng hoạt động của Mỏ sắt Trại Cau, nhưng thông tin doanh nghiệp sẽ dừng hoạt động khai thác tầng sâu khiến bà con thấy an tâm. Về việc này, sau khi có văn bản chính thức, địa phương sẽ tuyên truyền tới người dân. Chúng tôi đề nghị doanh nghiệp sớm thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ để bà con ổn định cuộc sống, đồng thời có các giải pháp đảm bảo an toàn trước khi tạm dừng khai thác…

Tuy nhiên, về phía Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên, sau khi tạm dừng hoạt động khai thác tại Mỏ sắt Trại Cau sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là về việc sắp xếp việc làm cho 180 lao động của mỏ. Tại cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức, lãnh đạo Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi sẽ cho tạm dừng hoạt động khai thác tầng sâu chậm nhất vào cuối tháng 5. Bởi, nếu tiếp tục khai thác thì không thể tránh khỏi tình trạng sụt lún, mất nước, rạn nứt công trình. Việc này đồng nghĩa sẽ phải có giải pháp hỗ trợ, có chính sách di dời những hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn với kinh phí rất lớn mà tại thời điểm này doanh nghiệp không thể chi trả được. Trao đổi thêm về việc sắp xếp việc làm cho công nhân, ông Vi Trần Dương, Phó Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau cho biết thêm: Hiện nay, trữ lượng quặng Manhetit tại mỏ vẫn còn khoảng 170.000 tấn, do đó, trong thời điểm tạm dừng khai thác, chúng tôi sẽ sắp xếp một bộ phận cán bộ, công nhân để trông nom cơ sở vật chất của mỏ. Thời điểm hợp lý sẽ xin ý kiến tỉnh cho phép khai thác trở lại. Số lao động còn lại, ai đến tuổi sẽ cho nghỉ chế độ, một số người sẽ sắp xếp công việc khác phù hợp trong công ty, trường hợp không sắp xếp được sẽ cho nghỉ việc và căn cứ vào tình hình tài chính của công ty để có chế độ hỗ trợ phù hợp…

Được biết, theo kế hoạch ban đầu, Dự án đầu tư khai thác quặng sắt tầng sâu núi quặng của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên được thực hiện trong giai đoạn 2012-2025, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, công suất khai thác quặng là 100.000 tấn/năm. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc kinh doanh của đơn vị gặp không ít khó khăn, trong khi đó doanh nghiệp lại phải chi phí khá lớn cho việc bảo vệ môi trường, giải quyết những hậu quả từ hoạt động khai thác. Do đó, việc tạm dừng khai thác của Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên lúc này được xem là giải pháp tình thế để có thời gian giải quyết những khó khăn đang tồn đọng.