Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, Luật Bình đẳng giới có hiệu lực thi hành đã xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Nhờ đó, phụ nữ được pháp luật, xã hội bảo vệ các quyền và nghĩa vụ như nam giới…
Phụ nữ hiện chiếm 50,2% dân số, 49% lực lượng lao động và có những đóng góp to lớn để xây dựng xã hội ngày một tiến bộ, văn minh. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ khá cao so với lao động nam do hạn chế về sức khỏe, thời gian nghỉ sinh và nuôi con, cơ hội tìm được việc làm phù hợp sau khi sinh còn thấp. Về kinh doanh, phụ nữ là chủ doanh nghiệp chiếm 30%, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong các cơ quan dân cử và cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước, số lượng phụ nữ chưa cao. Đơn cử, phụ nữ mới chiếm 27,3% tổng số đại biểu Quốc hội, tỷ lệ phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp cũng mới đạt trên 20%. Ngoại trừ 2 ngành giáo dục và y tế, còn các lĩnh vực quan trọng khác trong xã hội, phụ nữ chiếm tỷ lệ rất thấp và ít phụ nữ được giao giữ vị trí chủ chốt trong bộ máy cơ quan lãnh đạo, quản lý.
Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao trong các lĩnh vực quan trọng trong xã hội, tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo lại thấp hơn rất nhiều so với nam giới? Phải chăng là do năng lực của phụ nữ kém hơn nam giới? Trả lời câu hỏi này, nhiều học giả nữ cho rằng: Quan niệm coi việc nhà là đương nhiên chỉ dành cho phụ nữ vẫn còn phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay và tại Thái Nguyên cũng không ngoại lệ. Do vậy, sau giờ làm việc, ở các quán bia, quán ăn trên địa bàn tỉnh thường tràn ngập nam giới sau một ngày lao động vất vả, hoặc đôi khi trao đổi công việc ngay tại bàn bia. Ngược lại, sau giờ lao động, nhiều người phụ nữ trong tỉnh tất tưởi đi đón con và về nhà làm các công việc gia đình như: Nấu cơm, dọn dẹp nên không có nhiều thời gian giải trí, đọc sách hay sinh hoạt văn hóa, học tập nâng cao kiến thức. Thời gian dài như vậy nên trí tuệ của phụ nữ dần dần trì trệ và bận rộn vì các công việc nội trợ khiến họ không đủ năng lực như nam giới để vươn lên trong công việc. Điều này đã kéo lùi vị thế của phụ nữ ngay cả trong suy nghĩ và hành động của lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp.
Trong thực tế cũng đã có một số phụ nữ trong tỉnh được xã hội vinh danh khi thành công trong công tác, kinh doanh nhưng cũng cay đắng, trả giá rất đắt vì cống hiến quá nhiều cho công việc đã dẫn tới tan vỡ gia đình khi không được chồng ủng hộ rồi ngoại tình; con lười học ham chơi, mắc tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, những day dứt về trách nhiệm gia đình luôn đè nặng lên người phụ nữ thành danh bởi chuyện dung hòa được gia đình và công việc còn khó khăn hơn phấn đấu sự nghiệp. Chúng tôi đã từng nghe một nữ doanh nhân thành đạt chia sẻ để có sự nghiệp chị phải làm việc gấp năm, gấp bẩy công việc một phụ nữ bình thường và điều này cũng đồng nghĩa với việc chị không còn nhiều thời gian cho gia đình nên bị chồng, gia đình nhà chồng luôn trách móc. Cá biệt có phụ nữ đã chọn cách sống độc thân để tìm kiếm sự tự do tuyệt đối cho mình; có người không muốn sinh con bởi thời gian công tác và việc nhà quá nặng nề, mệt mỏi… Từ đó cũng nảy sinh suy nghĩ, tâm lý của không ít phụ nữ là “an phận thủ thường”, kiếm công việc vừa sức, có nhiều thời gian để lo cho gia đình, chăm con còn “nhường” chồng phấn đấu sự nghiệp.
Như vậy, để có bình đẳng về giới thật trọn vẹn thì ngoài khung pháp lý là các bộ luật, công ước… cần khuyến khích cả nam và nữ kết hợp hài hòa trong chia sẻ công việc gia đình; đồng cảm và cùng phấn đấu sự nghiệp. Chỉ có như vậy mới xây dựng và giữ được một gia đình đầm ấm, hạnh phúc và sự nghiệp vẫn phát triển.