Mua hàng tích trữ: Lợi bất cập hại

16:00, 08/03/2020

Ngày 6-3, Bộ Y tế thông báo Việt Nam có ca thứ 17 dương tính với COVID-19 tại Hà Nội, thì hôm sau 7-3, tại nhiều siêu thị, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là T.P Thái Nguyên, nhiều người dân đã đổ xô đi mua sắm để tích trữ do lo ngại khan hiếm hàng hóa. Sang ngày 8-3, lượng người mua đã giảm nhiều, song so với ngày thường, vẫn cao hơn đáng kể. Theo nhận định của cơ quan chức năng và các siêu thị, sẽ không có chuyện khan hiếm hàng hóa, vì thế người dân không nên lo lắng thái quá.

Theo quan sát của chúng tôi, trong ngày 7-3, nhiều siêu thị lớn tại T.P Thái Nguyên như: Minh Cầu, Lan Chi, Thành Đô…, lượng hàng bán ra tăng nhiều lần so với những ngày trước đó, thậm chí lúc cao điểm còn hết sạch xe đẩy hàng hay giỏ đựng đồ. Các mặt hàng được mua nhiều vẫn chủ yếu là: Mì tôm, mì gạo các loại, gạo, thịt lợn, dầu ăn, mắm, bột canh, lạc, thực phẩm đông lạnh, giấy vệ sinh. Còn ở các cửa hàng tạp hóa bán lẻ trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện tình trạng người dân cũng đến mua hàng nhiều hơn bình thường. Chị Nguyễn Thị Nga, chủ cửa hàng tạp hóa chợ Khu Nam, T.P Thái Nguyên cho biết: Bình thường, khách chỉ mua 5-10 gói mì tôm, nhiều thì mới lấy cả thùng (30 gói), nhưng trong ngày 7-3, hầu hết người mua đều lấy ít nhất 1 thùng, có người mua tới 5-7 thùng, cùng với đó là các loại đồ khô, gia vị khác. Có người bảo mua để cho con mang đi Hà Nội, vì sợ không mua được hoặc muốn con hạn chế đến chỗ đông người. Do số lượng người mua tăng đột biến nên một số mặt hàng bị hết trong ngày. Tuy nhiên, sang ngày 8-3, cơ bản, các mặt hàng đã được nhà cung cấp chuyển đến, chỉ một số ít phải đợi một vài hôm, nhưng vẫn có những mặt hàng cùng loại thay thế.

Cùng với mặt hàng đồ khô, thịt lợn và rau quả cũng được tiêu thụ mạnh trong ngày 7-3. Thay vì mua 3-5 lạng, nhiều người đã tới 5-7kg. Chính vì thế, nhiều tiểu thương và ở cả siêu thị đã bán hết hàng từ lúc 10-11 giờ. Do không đặt trước nên nhiều người không thể nhập thêm hàng bán trong buổi chiều. Sang ngày 8-3, rút kinh nghiệm ngày hôm trước, các cửa hàng đã tăng lượng nhập vào. Dù sức mua đã giảm, nhưng vẫn cao hơn so với ngày bình thường. Trong khi cơ bản các cửa hàng vẫn giữ nguyên giá bán thì ở một số điểm bán lẻ, người bán đã tranh thủ “té nước theo mưa” tăng giá một số mặt hàng. Ông Vũ Minh, nhà ở phường Gia Sàng chia sẻ: Sáng 7-3, tôi mua thịt nạc thăn và nạc vai của người quen bán ở ngã ba Bắc Nam, phường Gia Sàng với giá 180 nghìn đồng/kg. Đến sáng 8-3, giá lại trở về mức cũ 150 nghìn đồng/kg.

Đối với các huyện như: Đại Từ, Phú Bình, Phú Lương…, tuy không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng nhưng theo ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, lượng hàng bán ra cũng tăng khoảng 2 lần so với ngày thường. Còn theo người quản lý của một số siêu thị tại các huyện thì cũng có số ít người dân do lo lắng nên mua một lượng lớn hàng hóa, với hóa đơn trị giá từ 3-5 triệu đồng, nhưng số đó không nhiều, vì ở huyện, người dân cơ bản đảm bảo được lương thực và thực phẩm…

Thiết nghĩ, việc người dân lo lắng trước dịch bệnh đang diễn biến phức tạp là điều dễ hiểu, nhưng không nên thái quá, dẫn đến tình trạng đổ xô đi mua hàng như trong ngày 7-3. Vì điều này khiến nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan nhanh chóng và tạo ra hiện tượng khan hiếm hàng đột xuất. Cùng với đó là nhiều thực phẩm nếu để quá lâu sẽ bị hỏng, gây lãng phí, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong lúc này, mỗi người dân cần hết sức bình tĩnh để có những ứng phó phù hợp.