Phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu

09:56, 25/03/2020

Trở thành kho bạc điện tử vào năm 2020 là mục tiêu mà Kho bạc Nhà nước (KBNN) đặt ra từ nhiều năm qua và đang dần hiện thực hóa tại KBNN Thái Nguyên. Kết quả này tiếp tục là một trong những dấu ấn cho thấy những nỗ lực mà KBNN Thái Nguyên đạt được, đóng góp vào bảng thành tích 30 năm qua, cũng như góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.  

Ngược dòng thời gian, trở về với sự kiện đánh dấu sự ra đời của ngành KBNN đó là sau khi Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) thành công, trước yêu cầu phải đảm bảo tài chính phục vụ công cuộc kiến quốc và hoạt động của bộ máy Nhà nước cách mạng non trẻ, ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 75/SL về tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính, trong đó có Nha Ngân khố Quốc gia (tiền thân của hệ thống KBNN ngày nay). Tiếp đó, để việc quản lý tài chính ngân sách và kinh doanh tiền tệ phù hợp với thực tế, ngày 4/1/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký Quyết định số 07/HĐBT thành lập hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính với chức năng chính là giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý Nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước (NSNN). Sau ba tháng chuẩn bị, KBNN đã hoàn thành tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương (gồm 3 cấp) và chính thức đi vào hoạt động trên phạm vi cả nước từ ngày 1/4/1990. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Bộ Tài chính, KBNN, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, KBNN Thái Nguyên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội của địa phương. 

Một trong những thành tích nổi bật mà KBNN Thái Nguyên đạt được trong những năm qua là công tác cải cách thủ tục hành chính. Đơn vị luôn đi đầu trong việc triển khai các chương trình hiện đại hóa, cũng như các chương trình ứng dụng, gần đây nhất là Chương trình dịch vụ công trực tuyến, cảnh báo rủi ro, báo cáo nhanh… tạo tiền đề cho việc hình thành KBNN điện tử. Chương trình đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm soát, thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị giao dịch. Đến nay, đã có 1.396 đơn vị đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 99,3% trong tổng số đơn vị phải triển khai; số chứng từ giao dịch qua dịch vụ này chiếm trên 65% trong tổng số chứng từ. Qua đó đã giúp các đơn vị sử dụng NSNN tiết kiệm và tiết giảm được đáng kể thời gian, công sức và cả kinh phí trong việc giao, nhận hồ sơ. 

Cùng với đó, theo đúng định hướng, chỉ đạo của cấp trên, KBNN Thái Nguyên cũng đã tăng cường nhiều giải pháp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đến tất cả các đơn vị giao dịch. Tiếp theo việc thu ngân sách được thực hiện tại các ngân hàng thương mại, thì từ năm 2019, các khoản chi từ trên 100 triệu đồng trở lên cũng đã bắt đầu được thực hiện tại đây. Điều này giúp việc giao dịch của các tổ chức, cá nhân thêm thuận lợi. So với năm 2018, số thu trực tiếp tiền mặt tại KBNN tỉnh năm 2019 giảm 23,4%; số chi ủy nhiệm qua ngân hàng tăng 2,8 lần… Trong khi đó, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 15.361 tỷ đồng, bằng 104,2% dự toán.

Song song với nhiệm vụ thu, công tác kiểm soát chi cũng luôn được KBNN Thái Nguyên chú trọng thực hiện tốt. Đồng thời với việc quản lý chặt chẽ các khoản chi theo đúng chế độ tiêu chuẩn, định mức và đảm bảo trong phạm vi dự toán được phê duyệt, đơn vị cũng tích cực, chủ động phối hợp với đơn vị dự toán, chủ đầu tư đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác tạm ứng, thanh toán, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách. Chỉ tính riêng năm 2019, KBNN Thái Nguyên đã tiếp nhận, kiểm soát thanh toán đúng quy trình gần 400 nghìn bộ hồ sơ, chứng từ. 

Đặc biệt, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chỉ đạo của Bộ Tài chính, từ ngày 1/10/2019, KBNN tỉnh đã thực hiện sáp nhập KBNN T.P Thái Nguyên vào KBNN tỉnh và sắp xếp 7 phòng xuống còn 5 phòng tại cơ quan KBNN tỉnh. Do có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt nên việc sắp xếp, kiện toàn đã không làm xáo trộn tư tưởng trong đội ngũ công chức, cũng như không ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo được mục tiêu duy trì ổn định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động KBNN sau sáp nhập.

Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, KBNN Thái Nguyên luôn tự hào là đơn vị có sự phát triển vững mạnh về mọi mặt, đóng góp tích cực, hiệu quả trong quá trình phát triển chung của hệ thống KBNN và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thành công này có được trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi của lãnh đạo Bộ Tài chính, KBNN Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ; sự quan tâm giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan đơn vị ở cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Đặc biệt là sự nỗ lực, đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách của các thế hệ lãnh đạo, công chức trong toàn ngành kể từ khi thành lập đến nay.

Phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới, tập thể lãnh đạo, công chức KBNN Thái Nguyên tiếp tục duy trì đoàn kết, thống nhất, cố gắng phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, chỉ tiêu thi đua được Bộ Tài chính, KBNN và địa phương giao, góp phần hiện thực hóa nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống KBNN và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tô thắm thêm bảng vàng thành tích của đơn vị.

30 năm qua, KBNN Thái Nguyên đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh tặng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen. Nhiều năm liên tục, Đảng bộ được công nhận là trong sạch vững mạnh tiêu biểu; đơn vị được Bộ Tài chính công nhận Tập thể lao động xuất sắc...