Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có 173 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX). Các DN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, như: Sản xuất xi măng, gạch, đá xây dựng… Xác định DN có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Đồng Hỷ luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN.
Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sự hưng thịnh của DN, thể hiện tiềm lực, sự phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Do đó, những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính, hỗ trợ nguồn vốn vay, giải phóng mặt bằng… để DN ổn định sản xuất và tiếp tục phát triển. Sự đóng góp của các DN đã tạo đà phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện cơ bản đạt và vượt kế hoạch từng năm. Trong 2 năm (2018 và 2019), mặc dù huyện có 3 địa phương chuyển đổi địa giới hành chính về T.P Thái Nguyên nhưng chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vẫn đạt 100% kế hoạch đề ra.
Đi vào hoạt động từ năm 2015, Trang trại nông nghiệp sạch Thái Nguyên của Chi nhánh DN tư nhân Cao Bắc ở xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng đang từng bước đi vào hoạt động ổn định, dần khẳng định được tên tuổi trên thị trường. Với 26ha đất được quy hoạch, DN đã giành 10ha trồng rau, củ, quả; 7ha mặt nước để nuôi cá, tôm, còn lại là khu chế biến và sản xuất giống. Sản phẩm của DN chủ yếu xuất bán cho thị trường ở Đà Lạt, với khối lượng bình quân mỗi năm khoảng 90 tấn rau, củ, quả các loại. Tất cả các sản phẩm ở đây đều được sản xuất theo quy trình VietGAP, được trồng, chăm sóc trong hệ thống nhà lưới. Ông Hồng Sỹ Hưng, Phó Giám đốc DN cho biết: Khi triển khai Dự án nông nghiệp sạch, chúng tôi gặp không ít khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, bởi diện tích đất thu hồi lớn, với nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp huyện Đồng Hỷ, DN đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng và triển khai dự án theo đúng kế hoạch đề ra.
Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2018, huyện Đồng Hỷ đã thu hút được 2 DN đầu tư vào địa bàn, gồm: Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc với Dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa Đá Thiên, tổng mức đầu tư trên 784 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Trọng Khôi với Dự án chăn nuôi lợn, gà công nghệ cao kết hợp trồng cây lâu năm và sản xuất phân vi sinh tại xã Minh Lập, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng. Hiện nay, huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo phòng, ngành liên quan cùng địa phương phối hợp chặt chẽ với các DN triển khai dự án theo kế hoạch. Ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc cho biết: Khi triển khai thực hiện Dự án, điều DN lo lắng nhất là mặt bằng. Tuy nhiên, với Dự án này, nhận được sự hỗ trợ từ các sở, ngành của tỉnh; các phòng, ban của huyện Đồng Hỷ và sự vào cuộc tích cực của thị trấn Trại Cau, chúng tôi cơ bản không bị vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Hiện nay, diện tích đã giải phóng khoảng hơn 20ha (tổng diện tích đất quy hoạch 55ha), với 70% số hộ đã nhận tiền bồi thường.
Không chỉ hỗ trợ về công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện Dự án, từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh, huyện Đồng Hỷ còn hỗ trợ DN mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2016 đến nay, 16 đơn vị được hỗ trợ nguồn khuyến công này, với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đã tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính (giảm số ngày cấp giấy phép đăng ký kinh doanh từ 4 ngày xuống còn 2-3 ngày; giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện), góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho DN, hàng năm, huyện còn tổ chức gặp mặt DN, HTX trên địa bàn để nắm bắt, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, DN.
Những nỗ lực trong công tác hỗ trợ đã tạo cơ hội cho nhiều DN phát triển. Các DN trên địa bàn đã chủ động trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của huyện, đặc biệt là trong công tác thu ngân sách. 173 DN, đơn vị trên địa bàn, với tổng doanh thu bình quân đạt trên 1.519 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước trung bình trên 71 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, các DN này đang giải quyết việc làm cho trên 11.200 lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 4-7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Thủy cho biết thêm: Mục tiêu của huyện Đồng Hỷ là sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, do đó, thời gian tới, huyện sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế xã hội để thu hút các nhà đầu tư. Không chỉ vậy, huyện sẽ tăng cường công tác thông tin, phối hợp kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh với các DN; cải thiện môi trường đầu tư; khuyến khích DN đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường; xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa đáp ứng yêu cầu công tác cải cách hành chính…