Tin giả - thiệt hại thật

11:23, 13/03/2020

Mặc dù thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã xử lý không ít trường hợp tung tin sai sự thật trên môi trường mạng xung quanh công tác phòng, chống dịch COVID-19, song tình trạng tin giả vẫn chưa lắng xuống. Việc tung tin thất thiệt đã tạo tâm lý hoang mang, gây thiệt hại cho người dân và xã hội.

Ngay từ khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, tình trạng tung tin giả về dịch bệnh trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện. Ở Thái Nguyên, dù cho đến nay chưa có ca nhiễm COVID-19 nào nhưng lực lượng chức năng cũng đã ít nhất 3 lần phải xử lý các trường hợp tung tin giả. Trường hợp thứ nhất là xử lý một chủ tài khoản trên facebook thông tin về việc Bệnh viện C Thái Nguyên tiếp nhận ca dương tính với COVID-19, nhưng thực tế chỉ là đồn thổi không có căn cứ. Trường hợp thứ hai ở T.X Phổ Yên, một chủ tài khoản facebook khác cũng tung tin sai sự thật, cho rằng Việt Nam đã có thuốc đặc trị COVID-19, đó là loại vắc xin ketamin. Trường hợp thứ ba cũng là chủ một tài khoản trên mạng xã hội là người Định Hóa thông tin về việc xuất hiện bệnh nhân dương tính với COVID-19 ở Thái Nguyên. 

Tại Hà Nội, theo số liệu mới nhất của lực lượng Công an, đã có 23 trường hợp tung tin đồn thất thiệt liên quan đến bệnh nhân số 17 nhiễm COVID-19. Trong đó, đáng chú ý là thông tin cho rằng nữ bệnh nhân này trước khi vào cơ sở y tế để cách ly bắt buộc đã tham dự sự kiện khai trương Uniqlo tại Vincom Phạm Ngọc Thạch và đến một quán bar ở phố Tạ Hiện. Thông tin không chính xác này đã khiến dư luận hoang mang.

Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể trong cả nước về những trường hợp tung tin giả trên môi trường mạng liên quan đến dịch COVID-19, nhưng thực tế cho thấy từ những thông tin thất thiệt này đã khiến không ít gia đình mất ăn, mất ngủ, chính quyền các địa phương lúng túng, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị xáo trộn. Đây chính là thiệt hại lớn nhất mà tin giả gây ra. Mấy ngày trước, khi nghe thông tin bệnh nhân thứ 17 ghé thăm một số nơi trong nội thành Hà Nội, người dân đã nháo nhào đi mua hàng tích trữ khiến các siêu thị quá tải, khan hiếm hàng cục bộ, làm thị trường mất cân bằng, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng đầu cơ găm hàng, tăng giá gây thiệt hại cho người dân và Nhà nước..

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn thông tin giả nói chung và thông tin thất thiệt về dịch COVID-19 nói riêng, cần áp dụng nghiêm quy định của pháp luật để xử lý các trường hợp tung tin giả. Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống bị quy định mức phạt tiền 10 - 20 triệu đồng. Theo các luật sư, nếu tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất an trong dư luận ở mức độ nặng thì có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất lên tới 7 năm tù. 

Mặt khác, để ngăn chặn tin giả cần nâng cao nhận thức của toàn dân trong tiếp nhận thông tin, ứng xử với thông tin trên không gian mạng. Người dân không nên tin hoặc chia sẻ những thông tin trên mạng xã hội mà chưa rõ nguồn gốc, thiếu kiểm chứng. Hãy tìm nguồn tin chính thống trên báo chí hoặc thông báo của cơ quan chức năng để xác thực thông tin, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh… Hãy chung tay bài trừ nạn tin giả, tin xấu, độc trên mạng xã hội, trong đó có thông tin về dịch COVID-19.