Năm 2008, tuyến ĐT.261, với tổng chiều dài hơn 40km được đầu tư thảm nhựa đã giúp người dân ở 12 xã, thị trấn của huyện Đại Từ và T.X Phổ Yên đi lại, thông thương hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Tuy nhiên, sau 12 năm khai thác mà chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp lớn nên nhiều đoạn đường trên tuyến ĐT.261 bị xuống cấp, mặt đường bong tróc, nhiều ổ gà, ổ voi. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân.
Chị Vũ Thị Hương, nhà ở xóm Chiểm, xã Quân Chu (Đại Từ) cho biết: Hàng ngày tôi phải đi qua tuyến đường này để đi làm ở T.X Phổ Yên nên rất vất vả do đường xuống cấp. Khi thời tiết có mưa, đường ngập nước xe của tôi thường bị đâm xuống ổ gà, ngày nắng thì bụi bẩn. Còn ông Trần Văn Thái, ở xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba (Đại Từ) cho biết: Đoạn đường ĐT.261 chạy qua địa bàn xã đã xuống cấp nhiều năm nay, mặt đường có nhiều ổ gà, ổ voi, nhất là 2 bên lề đường lún sâu so với mặt đường từ 5 10cm nên nguy cơ xảy ra tại nạn giao thông rất cao. Nhiều đoạn đường hư hỏng nặng được cơ quan chức năng đổ nhựa để vá, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại hỏng…
Đi dọc tuyến ĐT.261, chúng tôi thấy nhiều đoạn xuống cấp trầm trọng, nhất là đoạn từ xã Bình Thuận đến hết xã Lục Ba (Đại Từ); đoạn từ thị trấn Quân Chu (Đại Từ) qua xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên). Ông Vũ Hồng Quang, Trưởng Phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: ĐT.261 được khai thác đã lâu, nhưng đến năm 2015 mới có nguồn vốn sửa chữa, thảm nhựa lại được một số đoạn. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm cơ quan chức năng cũng chỉ bố trí được nguồn vốn để thảm nhựa lại được gần 20km. Những đoạn đường được đầu tư sửa chữa đều mang tính cấp bách, bởi nguồn vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Nếu có nguồn vốn sửa chữa thường xuyên, kịp thời thì tuổi thọ của đường sẽ được kéo dài hơn. Còn khi đường xuống cấp mà không sửa chữa ngay thì mức độ xuống cấp càng nhanh…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cùng với việc thiếu vốn đầu tư sửa chữa thì ĐT.261 nằm trong vòng cung của dãy núi Tam Đảo nên vào mùa mưa, nguồn nước từ trên núi cao đổ về rất lớn gây ra tình trạng xói mòn mặt đường, sạt lở ta luy đường. Ngoài ra, tuyến ĐT.261 có chiều dài gần 40km, nhưng bị chia cắt bởi hàng chục con suối lớn nhỏ. Trước đây, cơ quan chức năng chỉ đầu tư một số cây cầu cao, như: Cầu Bến Đẫm, xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên); cầu suối Đền, thị trấn Quân Chu; cầu Làng Duyên, xã Ký Phú (Đại Từ). Còn lại, hầu hết là được xây dựng tràn và cầu tràn thấp nên khi mưa to, nước dâng cao, rất nguy hiểm cho người dân khi đi qua. Vì vậy, thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải phải sử dụng nguồn vốn sự nghiệp để tập trung đầu tư, xây dựng 11 cầu tràn và cầu cống hộp trên toàn tuyến, với tổng nguồn vốn hơn 30 tỷ đồng nên nguồn vốn đầu tư cho những hạng mục khác bị giảm. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương có ĐT.261 chạy qua đều phát triển mạnh về trồng rừng sản xuất nên nhiều xe gỗ có trọng tải lớn đi qua khiến tuổi thọ tuyến đường bị giảm đi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Huy Giang, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải chia sẻ: Hiện nay, tỉnh quản lý 20 tuyến đường, tổng chiều dài gần 400km. Trong đó, nhiều tuyến được đầu tư thảm nhựa từ hàng chục năm về trước nên đã xuống cấp. Trong khi nhu cầu thực tế về nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ khoảng 300 tỷ đồng, nhưng hiện nay, nguồn vốn chỉ có khoảng từ 80 - 100 tỷ đồng. Chính vì vậy, cơ quan chức năng phải căn cứ vào tình hình thực tế đầu tư vào những tuyến, đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng, mang tính cấp bách để đảm bảo giao thông. Đối với ĐT.261, nhu cầu sửa chữa toàn tuyến phải hàng trăm tỷ. Hiện nay, ĐT.261 đoạn từ Km1+00 đến Km20+00 đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư nên Sở Giao thông - Vận tải không bố trí nguồn vốn sửa chữa đoạn đường nói trên.
Việc ĐT.261 xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại của người dân. Vì vậy, rất mong cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, đánh giá những đoạn đường xuống cấp để bố trí nguồn vốn đầu tư sửa chữa, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường này.