Cần có giải pháp xử lý các điểm ngập úng cục bộ tại T.P Thái Nguyên

11:03, 17/04/2020

Việc một số điểm, tuyến phố tại khu vực trung tâm T.P Thái Nguyên thường bị gập úng cục bộ khi thời tiết có mưa to đã ảnh hưởng không nhỏ đến người tham gia giao thông khi đi qua những khu vực này. Mặc dù cơ quan chức năng đã thực hiện một số biện pháp để xử lý, nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời…

Anh Trần Văn Khải, nhà ở khu vực Ngã tư Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết: Cứ khi nào thời tiết mưa to kéo dài khoảng 30 phút là đoạn ngã tư này bị gập úng, có những lần sâu đến ngang bụng khiến các phương tiện giao thông đi qua đều bị chết máy. Ngã tư  này năm nào cũng có từ 2-3 lần bị ngập úng. Còn anh Dương Minh Hiếu, nhà ở Tổ dân phố 12, Phường Phan Đình Phùng cho biết: Tôi thường xuyên đi làm qua tuyến đường Minh Cầu và đoạn ngã tư Hoàng Văn Thụ - Minh Cầu nên cứ khi trời mưa to kéo dài gần 1 tiếng là phải tìm đường khác để di chuyển vì đoạn này bị ngập sâu. Trước đây, trên tuyến đường Minh Cầu có nhiều hố ga mất nắp, cửa cống thoát nước rất rộng và không có lưới chắn, nước chảy xuống tạo thành xoáy nên rất nguy hiểm. Hiện tại, hệ thống nắp hố ga, cửa cống thoát nước đã được xây dựng, lắp đặt lại an toàn hơn, nhưng vẫn còn tình trạng ngập úng khi thời tiết có mưa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ 2 địa điểm trên của T.P Thái Nguyên thường xuyên bị ngập úng khi thời tiết mưa to mà trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện vẫn còn hàng chục điểm, tuyến phố có chung tình trạng này, như: Khu vực cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; ngã ba giao cắt đường Quang Trung với đường Z115; ngã ba Bắc Nam; ngã tư Phan Đình Phùng và Lương Ngọc Quyến… Đây là những tuyến đường chính, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn nên việc gập úng đã gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của người dân. Điển hình như tuyến đường Minh Cầu (đoạn giao cắt với đường Hoàng Văn Thụ đến cổng Nhà hàng 158). Mỗi khi thời tiết có mưa to thì cả đoạn đường chìm trong nước, trong khi đó, tại đoạn đường này có nhiều ổ gà nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông… Nguyên nhân ngập úng cục bộ của những điểm, tuyến phố tại khu vực trung tâm của T.P Thái Nguyên là do có vị trí thấp khiến nước mưa bị dồn về rất lớn; hệ thống cống thoát nước được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, không đáp ứng được công suất thoát nước; một số hệ thống mương, suối thoát nước ra sông Cầu bị lấn chiếm hành lang, rác thải gây tắc nghẽn dòng chảy; sự phát triển nhanh của các khu đô thị, khu dân cư nhưng hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ…

Ông Trương Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và Phát triển đô thị Thái Nguyên cho biết: Để giảm thiểu tình trạng gập úng cục bộ, vào đầu mùa mưa hằng năm, Công ty đều tiến hành duy tu, nạo vét, hút đất cát ở cống thoát nước. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã triển tiến hành nạo vét gần 10km cống thoát nước và tiến hành thi công, lắp đặt lưới chắn rác tại cửa cống thoát nước dọc và ngang tại các điểm thường xuyên ngập úng. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho công nhân túc trực tại những địa điểm này để vớt rác ở cửa cống giúp nước thoát nhanh hơn. Nếu như trước đây, sau trận mưa to, ngập úng có thể kéo dài từ 90-120 phút nước mới rút hoàn toàn, thì nay còn khoảng từ 30-60 phút…

Mặc dù cơ quan chức năng và đơn vị thực hiện nhiệm vụ thoát nước đã có những giải pháp để giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ tại T.P Thái Nguyên, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài việc quy hoạch hệ thống thoát nước cần phải được quan tâm đầu tư phù hợp với tốc độ phát triển đô thị. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần cải tạo các ao, hồ thành hồ điều hòa và quản lý tốt hành lang thoát nước ra sông Cầu của 9 dòng suối trên địa bàn T.P Thái Nguyên.