Suốt hơn 3 tháng qua, cùng với cả nước, một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện đó là phòng, chống dịch COVID-19. Để góp phần làm tốt công tác này thì một trong những yếu tố không thể thiếu hay chậm trễ đó là đảm bảo nguồn kinh phí. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Tài chính.
P.V: Trước hết, ông có thể cho biết, Sở đã tham mưu bố trí, cân đối nguồn ngân sách như thế nào cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua?
Ông Nguyễn Minh Quang: Ngay từ khi xuất hiện dịch COVID-19 ở nước ta, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã nhất quán triển khai thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đó là “chống dịch như chống giặc” nên luôn sát sao, quyết liệt trong công tác này. Do vậy, Sở Tài chính xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là công tác tham mưu đảm bảo nguồn lực ngân sách cho phòng, chống dịch. Ngay từ đầu tháng 2, Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị, địa phương về mức chi, nội dung chi, nguồn kinh phí thực hiện, trong đó đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động sử dụng kinh phí trong dự toán ngân sách được giao và dự phòng ngân sách cấp mình để thực hiện nhiệm vụ chi phòng, chống dịch theo đúng phương châm “4 tại chỗ”. Cùng với đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trong việc sử dụng nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện các công tác phòng, chống dịch theo quy định. Tính đến ngày 10-4, tổng kinh phí cấp từ ngân sách tỉnh cho công tác phòng, chống dịch là trên 100 tỷ đồng (chưa kể ngân sách các huyện, thành, thị).
Trên cơ sở các chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và tình hình thực tế, Sở sẽ phối hợp với các ngành tiếp tục tham mưu bổ sung các giải pháp phù hợp, đảm bảo nguồn lực để công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả tốt nhất.
P.V: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-CP (NQ37) ngày 29-3-2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 đã và đang được tỉnh ta thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Quang: Chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động tham gia chống dịch đã được quy định tại Nghị định 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011. Ngày 29/3/2020, Chính phủ ban hành NQ37 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong tổ chức thực hiện tại các địa phương. Trên cơ sở các quy định của NQ37, Sở Tài chính đã ban hành Văn bản số 1287/STC-QLNS ngày 3/4/2020 hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện chi, trong đó đề nghị các địa phương, Sở Y tế và các đơn vị đảm bảo mức chi theo đúng quy định, đồng thời hướng dẫn các địa phương về nguồn kinh phí thực hiện.
P.V: Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, các phương án, giải pháp mà Sở đề xuất tham mưu cho UBND tỉnh là gì, nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong trường hợp tỉnh ta phải xây dựng bệnh viện dã chiến?
Ông Nguyễn Minh Quang: Có thể nói, năm 2020 là năm gặp nhiều khó khăn trong điều hành ngân sách Nhà nước. Chỉ mới hết quý I, tỉnh đã phải sử dụng hơn 50% dự phòng ngân sách địa phương. Trong khi đó, tình hình thu ngân sách của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Sở Tài chính luôn phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế xây dựng dự toán kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương rà soát, báo cáo UBND tỉnh sắp xếp các nhiệm vụ chi để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, huy động và sử dụng các nguồn ủng hộ đóng góp, nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương… nhằm đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất, kể cả khi tỉnh ta thực hiện xây dựng bệnh viện dã chiến theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo kịch bản, bệnh viện này sẽ với quy mô 500 giường bệnh, dự kiến kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Ngoài phần kinh phí hỗ trợ của ngân sách Trung ương, thì ngân sách tỉnh cũng sẽ dành một phần cho việc xây dựng bệnh viện dã chiến.
P.V: Một trong các giải pháp được nhắc đến để khôi phục nền kinh tế sau dịch chính là đẩy mạnh việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Vậy ông có thể cho biết, giải pháp mà Sở đưa ra đối với nội dung này ra sao?
Ông Nguyễn Minh Quang: Xác định việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm nên ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trên cơ sở kế hoạch vốn được HĐND, UBND tỉnh giao, Sở Tài chính đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và chủ đầu tư nhập, phân bổ vốn cho các dự án; đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị liên quan mở mã cho các dự án khởi công mới đã được giao kế hoạch vốn; hoàn thiện hồ sơ ngay khi có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước, để không dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán… Tính đến hết quý I/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển là 839 tỷ đồng/4.199 tỷ đồng, đạt 20% dự toán giao.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Sở Tài chính sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và tình hình thực tiễn tại địa phương, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu các giải pháp cụ thể nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh toán vốn; tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư trong triển khai thực hiện kế hoạch vốn được giao; bên cạnh đó cũng sẽ tăng cường phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện rà soát các dự án giải ngân chậm, dự án không có khả năng giải ngân, báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án đã có khối lượng thực hiện đủ điều kiện giải ngân, các dự án có tiến độ triển khai thực hiện tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện…