Không để bị động trước những tình huống thiên tai

15:50, 26/04/2020

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm nay sẽ có khoảng 11-13 cơn bão trên biển Đông, trong đó có 5-6 cơn bão trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền, gây mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…

Gia đình anh Hoàng Văn Dũng, ở xóm Khuổi Tác, xã Quy Kỳ (Định Hóa) xây nhà ngay sát sườn núi nên đã từng 2 lần bị đất đá sạt lở xuống gần nhà, rất may chưa có thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Mỗi khi có mưa to, gió lớn xảy ra là gia đình anh lại thắc thỏm lo lắng. Anh Dũng cho biết: Vừa mới năm ngoái, trận mưa lớn kéo dài đã làm sạt ta-luy cao 15m khiến hàng chục khối đất, đá đổ ập xuống khu vườn phía sau, cách nhà ở của gia đình tôi chưa đến 3m. Gia đình tôi mong muốn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây kè phía sau nhà, bảo đảm an toàn cho cuộc sống và sinh hoạt. Trao đổi với chúng tôi, ông Luân Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Quy Kỳ là một trong những địa bàn có nguy cơ xảy ra sạt lở cao nhất huyện do địa hình có nhiều núi đất. Người dân trong xã thường xẻ núi để lấy mặt bằng làm nhà. Hiện nay, xã có trên 300 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các hộ sinh sống khu vực dọc Quốc lộ 3C đi qua địa bàn xã. Trước tình trạng trên, UBND xã đã tiến hành rà soát, kiểm tra các hộ có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất để đề xuất với UBND huyện lên phương án giải quyết như: Hỗ trợ di dời nơi ở, xây dựng kè kiên cố để bảo đảm an toàn… Đồng thời, UBND xã cũng thường xuyên cập nhật diễn biến thông tin thời tiết, lượng mưa... để kịp thời cảnh báo đến người dân có phương án chủ động ứng phó như di chuyển nơi ở tạm thời đối với những nơi có nguy cơ cao…

Còn tại huyện vùng cao Võ Nhai, do địa hình có nhiều đồi núi cao, lại bị chia cắt bởi các khe suối nên nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét trên địa bàn cũng rất cao. Năm nay, những vị trí trọng điểm nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi ngập úng, lũ quét được huyện xác định gồm: Khu vực các phố Đình Cả, Thái Long, Bãi Lai, Cổ Rồng và một phần xóm Hùng Sơn (thị trấn Đình Cả); các xóm dọc Quốc lộ 1B (xã La Hiên), xóm Đồng Chăn (xã Lâu Thượng); hồ Quán Chẽ (xã Dân Tiến); hồ Lòng Thuyền (La Hiên); hồ Cây Hồng (xã Lâu Thượng)... Ngoài ra, huyện cũng xác định một số điểm dễ xảy ra sạt lở đất, đá, thường hay bị ngập lụt ở các xã, thị trấn, các mỏ khai thác đá, mỏ vàng để cảnh báo người dân. Cùng với đó, chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, các vị trí thường xảy ra sạt lở đất, đá ở ven suối, đồi núi và nơi có hộ dân sinh sống để có phương án di chuyển ra vị trí an toàn hoặc có biện pháp cải tạo tại chỗ, loại bỏ các yếu tố gây nguy hiểm. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết: Để sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống, huyện đã chuẩn bị vật tư dự trữ phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tại các kho vật tư của Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Trạm Khai thác thủy lợi Võ Nhai, hồ Quán Chẽ và trụ sở UBND các xã, thị trấn, bao gồm: Trên 6.600 bao tải, 800m2 bạt dứa, 5 nhà bạt, 300 dây thừng, 515 phao cứu sinh, 228 áo phao cứu sinh, 13 đầm gang, 100 chiếc cuốc, 80 chiếc xẻng, 37 xà beng, 20 bộ cọc tiêu đa năng, 1 xuồng máy, 1 máy phát điện... Bên cạnh đó, UBND huyện cũng giao trách nhiệm cho UBND các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị xây dựng phương án PCTT-TKCN của từng địa phương sát với tình hình thực tế và bảo đảm mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ.

Do xây nhà ngay sát sườn núi nên gia đình anh Hoàng Văn Dũng, ở xóm Khuổi Tác, xã Quy Kỳ (Định Hóa) đã 2 lần bị đất sạt lở xuống cạnh nhà.

Tại huyện Phú Bình, các công trình kè chống xói lở bờ sông Cầu tại các xã Thượng Đình, Úc Kỳ, Nga My, Hà Châu đang hoạt động tốt, phát huy hiệu quả, tăng cường khả năng phòng lũ, chống xói lở đoạn xung yếu bờ phải sông Cầu, bảo đảm an toàn cho nhân dân địa phương. Thời gian qua, huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức phát quang cây cối trên các bờ đập, cống tưới, tràn xả lũ, bể hút, bể xả, nhà trạm, các công trình phòng chống lụt bão, hệ thống các kênh tưới tiêu, giảm thiểu tình trạng vi phạm hành lang công trình. Bước vào mùa mưa, vấn đề đặt ra đối với huyện là làm sao bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời, tránh làm ảnh hưởng đến diện tích lúa và hoa màu của bà con. Ông Lưu Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My thông tin: Toàn xã có trên 700ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 275ha lúa. Do có con sông Cầu chảy qua nên sau mỗi trận mưa to, nước sông dâng cao, lượng nước tại các kênh ngòi cũng dâng cao khiến nhiều diện tích lúa bị ngập, tập trung ở các cánh đồng xóm Soi, Dinh A, Dinh B, Diệm Dương, Kén… Phần diện tích ngập úng trên chủ yếu trồng lúa, không thể chuyển đổi sang giống cây trồng nào khác. Vì vậy, giải pháp của địa phương là khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày và theo dõi diễn biến thời tiết để điều chỉnh lịch gieo cấy cho phù hợp.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đến nay, các địa phương trong tỉnh đều đã xây dựng phương án PCTT-TKCN năm 2020 theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Nói về các biện pháp chủ động ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, Phó Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết: Trước khi xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa lớn, dông, lốc, sét và ngập úng, cùng với bản tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Ban đều có văn bản cảnh báo, đôn đốc các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp phòng, tránh để giảm thiểu tối đa thiệt hại. Trong và sau khi thiên tai xảy ra, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh thường xuyên đi kiểm tra, chỉ đạo các địa phương kịp thời khắc phục hậu quả, giúp bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó với sự cố thiên tai…

Thực tế cho thấy, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các hiện tượng dông, lốc gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân với tổng trị giá 1,7 tỷ đồng. Bước vào mùa mưa bão năm nay, cùng với sự vào cuộc tích cực, chủ động của cơ quan chức năng, để bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản, bà con nhân dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thiên tai, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, cảnh báo của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Đồng thời, có biện pháp chằng chống nhà cửa, thu hoạch diện tích rau màu đã đến kỳ thu hái để giảm thiểu tối đa thiệt hại.