Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) do Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông - Vận tải) làm chủ đầu tư, với tổng số vốn trên 9.200 tỷ đồng, được triển khai thực hiện từ tháng 4-2016 tại nhiều tỉnh trong cả nước. Đối với tỉnh Thái Nguyên được đầu tư thực hiện hợp phần xây dựng cầu dân sinh theo Dự án ở cả 9 huyện, thành, thị. Từ đó góp phần quan trọng cải thiện điều kiện đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Những ngày đầu tháng 4 này, chúng tôi có dịp về xã Vạn Phái (T.X Phổ Yên), được chứng kiến niềm vui của người dân địa phương vì cây cầu Bến Vạn mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ ngày 4/3/2020, với kinh phí đầu tư xây dựng gần 17 tỷ đồng theo Dự án LRAMP, thay thế cầu treo cũ. Cầu mới xây bằng bê tông cốt thép, dài trên 140m, rộng 4m, ô tô qua lại dễ dàng. Vợ chồng anh Lê Văn Tuấn, 51 tuổi, nhà ở sát đầu cầu Bến Vạn, thuộc xóm Bến Chảy 2, xã Vạn Phái, vui mừng chia sẻ: Trước đây, tuy đã có cầu treo bắc qua sông Công nối liền 2 xã Vạn Phái và Nam Tiến, nhưng ô tô không đi được. Vì vậy, xe chở các loại nông sản, hàng hóa ra vào xã Vạn Phái đều phải đi vòng qua cầu Nhái (thuộc địa bàn xã Đắc Sơn, T.X Phổ Yên), xa hơn khoảng 10km so với đi qua xã Nam Tiến. Bên cạnh đó, theo thời gian, cầu treo dần xuống cấp, gây nguy hiểm cho người qua lại. Đến nay, địa phương đã được đầu tư xây dựng cầu mới vững chãi thay thế cầu treo, xe ô tô có tải trọng dưới 16 tấn qua lại thuận tiện, bà con mừng lắm… Còn ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nam Tiến cho biết: Có cầu mới, bà con nhân dân có thể vận chuyển hàng hóa qua lại giữa 2 xã Nam Tiến, Vạn Phái và ra trung tâm T.X Phổ Yên rất thuận lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của 2 địa phương ngày càng phát triển, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên.
Cũng trên địa bàn T.X Phổ Yên, tại xã Phúc Thuận, vì trung tâm hành chính của xã và trường học ở bên kia bờ sông Trung Năng nên nhiều năm trước, khi chưa có cầu, vào những ngày nước sông dâng cao, hơn 5.000 người dân các xóm trong xã ở bên này bờ sông không thể sang khu vực trung tâm xã, các em nhỏ không thể tới trường. Nhưng nay tình hình đã khác khi xã được Nhà nước đầu tư trên 7 tỷ đồng xây dựng cầu Đồng Muốn dài gần 100m, rộng 4m bắc qua sông Trung Năng theo Dự án LRAMP. Từ đây, khoảng cách giữa đôi bờ sông như ngắn lại rất nhiều, đời sống sinh hoạt của nhân dân địa phương được cải thiện rõ rệt khi có cầu.
Tương tự, với người dân xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá (Võ Nhai), nhiều năm trước thường phải vượt qua dòng sông Dong để sang canh tác ở cánh đồng bên kia sông. Việc vận chuyển nông sản, đưa con em đi học hoặc sang thực hiện các thủ tục hành chính tại trụ sở UBND xã cũng gặp khó khăn, nguy hiểm khi vượt qua sông, bởi lòng sông rộng, nước thường chảy siết. Vì vậy, mong ước cháy bỏng của bà con là có một cây cầu bắc qua sông. Đến đầu tháng 3-2020, mong ước này đã trở thành hiện thực khi cây cầu dài trên 60m, rộng 4m được đầu tư xây dựng theo Dự án LRAMP hoàn thành, với kinh phí trên 4 tỷ đồng. Bà Đỗ Thị Nguyên, ở xóm Làng Tràng tâm sự: Được Nhà nước đầu tư xây dựng cầu, chúng tôi phấn khởi lắm. Bởi từ đây, việc đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn trước rất nhiều. Các cháu nhỏ không phải ngày ngày lội qua sông đi học nữa...
Được biết, từ tháng 4-2016 đến nay, triển khai Dự án LRAMP, tỉnh ta được đầu tư thực hiện hợp phần xây dựng cầu dân sinh thuộc Dự án với 29 công trình cầu và cống hộp bê tông phục vụ giao thông đã được đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng (với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng), ở các huyện: Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương, Phú Bình, Đồng Hỷ và T.X Phổ Yên, T.P Sông Công, T.P Thái Nguyên. Dự kiến trong quý II năm nay tiếp tục có 10 công trình cầu, cống được khởi công xây dựng theo Dự án tại 4 huyện: Đại Từ, Phú Bình, Định Hóa, Phú Lương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tùng, cán bộ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (là đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện công tác quản lý dự án hợp phần xây dựng cầu dân sinh thuộc Dự án LRAMP trên địa bàn tỉnh) cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng của Dự án nêu trên, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh luôn nỗ lực phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện tốt công tác quản lý Dự án, kiểm soát chặt chẽ chất lượng từng công trình, bảo đảm nguồn vốn của Nhà nước được đầu tư hiệu quả, theo đúng quy định. Bên cạnh đó, được sự quan tâm vào cuộc của các địa phương liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, đến nay các công trình đều được thi công và hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ kế hoạch, bảo đảm chất lượng… Những cây cầu mới được đầu tư xây dựng góp phần quan trọng cải thiện điều kiện đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.