Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 của Trung ương và của tỉnh, nhiều cách làm hay, giải pháp hiệu quả được chia sẻ. Trong đó, giải pháp được nhắc tới nhiều nhất và cũng là phương châm hành động chung của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các địa phương thời gian qua chính là “4 tại chỗ”.
“4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai được hiểu là: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Khi có tình huống thiên tai xảy ra, phản ứng nhanh nhất, kịp thời nhất chính là các lực lượng tại chỗ. Có câu “nước xa khó cứu lửa gần”, nên tại chỗ vẫn là phương án tối ưu nhất. Chính quyền sở tại sẽ trực tiếp chỉ huy các lực lượng để phòng, chống, khắc phục thiệt hại; công an, quân đội, dân quân được huy động tại chỗ để làm lực lượng tiền phương trực tiếp tham gia cứu nạn, cứu hộ; phương tiện, vật tư, hậu cần tại chỗ nếu không được sử dụng kịp thời, linh hoạt, mà trông chờ chi viện từ xa thì thiệt hại sẽ khôn lường.
Thực tế ứng phó thiên tai thời gian qua ở một số địa phương đã chứng minh tính hiệu quả của phương châm “4 tại chỗ”. Trận dông lốc xảy ra tối 8-5 vừa qua đã gây thiệt hại đáng kể về tài sản, hoa màu của nhân dân. Hàng nghìn ngôi nhà, cơ sở trường học, công trình dân sinh bị tốc mái; nhiều diện tích cây trồng, hoa màu bị gẫy, đổ, ngập úng… thiệt hại ước tính hàng chục tỉ đồng. Điều đáng nói, sau những khó khăn do dịch COVID-19, người dân lại phải hứng chịu thiên tai, trong đó nguy cơ học sinh phải tiếp tục nghỉ học ở một số nơi là hiện hữu. Trước hoàn cảnh đó, để khắc phục hậu quả nhanh nhất có thể, chính quyền các địa phương đã vào cuộc, thực hiện tốt phương án “4 tại chỗ”. Xin lấy việc khẩn trương khắc phục hậu quả ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) làm ví dụ. Trận dông lốc trong đêm 8-5 đã làm trên 200 ngôi nhà ở địa phương này bị tốc mái, hơn 40 hộ dân bị thiệt hại về hoa màu, đàn vật nuôi, khoảng 500m2 mái nhà của Trường THCS Tân Cương bị hư hỏng. Ngay sáng sớm hôm sau, chính quyền xã đã huy động các lực lượng tại chỗ gồm công an, dân quân, đoàn viên, thanh niên, giáo viên và quần chúng nhân dân góp sức dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, phục hồi hoa màu bị ảnh hưởng bởi dông lốc. Với gần 1.000 lượt người tham gia, chỉ sau 3 ngày, cơ bản các thiệt hại đã được khắc phục; người dân trở lại sinh hoạt bình thường, thày cô giáo và các em học sinh Trường THCS Tân Cương đã đến trường trong điều kiện trường, lớp đảm bảo. Theo đánh giá của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai T.P Thái Nguyên, nếu không có các lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy kịp thời tại chỗ chắc chắn cuộc sống của người dân và hoạt động giáo dục ở Tân Cương không thể ổn định nhanh chóng như vậy…
Như vậy có thể thấy, “4 tại chỗ” là kế sách quan trọng hàng đầu trong phòng, chống, ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Được biết, hiện tại 178/178 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã xây dựng kế hoạch chi tiết và diễn tập thuần thục phương án này, sẵn sàng vận dụng khi cần thiết.