Mặc dù đã hơn 40 ngày Việt Nam không xuất hiện ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng và hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đã bình thường trở lại, nhưng với những gì doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh trải qua trước đó và tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp, sẽ khiến cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối NH - DN tại 14 tỉnh, thành có dư nợ tín dụng cao, thu hút sự quan tâm và đặt ra kỳ vọng đối với nhiều DN.
Ý kiến từ doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG: Việc NHNN kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 để các tổ chức tín dụng (TCTD) có cơ sở pháp lý triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ khách hàng là điều cực kỳ có ý nghĩa đối với DN. Tại TNG, NH đã tăng thời gian vay vốn ngắn hạn từ 6 lên 8 tháng; giảm lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ… đã góp phần giúp DN giảm bớt khó khăn, có thêm nguồn lực để duy trì, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, với mức giảm trung bình 0,5%/năm được cho là quá thấp và hiện mới có 64% số DN được tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, số DN còn lại chưa được tiếp cận - đây chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Vì thế, ngành NH cần tiếp tục rà soát, nhanh chóng hỗ trợ các gói tín dụng đến toàn thể DN, bảo đảm công khai, minh bạch; tiến hành cơ cấu khách hàng theo từng nhóm để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, giúp DN không chỉ vượt qua khó khăn mà còn có thể mở rộng quy mô. Trường hợp đặc biệt để cứu DN và người lao động, có thể được vay với lãi suất “0” đồng.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân tỉnh; ông Trần Đức Hiểu, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hoa Mai; ông Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn du lịch Dạ Hương phân tích thêm: Chiếm tới 93% DN trên địa bàn tỉnh là DN vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay. Vì thế, lãi vay NH luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của DN. Do đó, mức lãi suất mà DN mong muốn được giảm ít nhất từ 2-3%/năm cho cả khoản vay hiện hữu và khoản vay mới. Cùng với đó là tăng số DN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giữ nguyên nhóm nợ…; giảm bớt các thủ tục khi tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi…
Hoạt động trong lĩnh vực vận tải, Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nên rất cần được hỗ trợ nhiều hơn từ ngành Ngân hàng.
Nỗ lực từ ngành ngân hàng
Tiếp thu tất cả kiến nghị từ phía DN để tham mưu, đề xuất với Chính phủ và đưa ra cơ chế hỗ trợ phù hợp hơn, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho rằng, đó đều là những mong muốn chính đáng và NHNN sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ DN, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, để có vốn cho vay, NH cũng phải trả lãi cho người gửi tiền cộng thêm nhiều chi phí trong quản lý, trích lập dự phòng rủi ro… Vì thế, việc giảm lãi suất nhiều hay ít sẽ tùy thuộc “sức khỏe” của từng TCTD và phải đảm bảo nguyên tắc không cho vay dưới chuẩn, nhằm tránh rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính như nước Mỹ năm 2008. Cùng với đó, việc xét duyệt điều kiện hỗ trợ cho khách hàng, NH cũng phải làm hết sức công tâm, khách quan, tránh hỗ trợ nhầm, làm gia tăng nợ xấu. Trường hợp TCTD nào không thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và NHNN thì DN, hộ kinh doanh có thể phản ánh tới đường dây nóng của NHNN Thái Nguyên để được can thiệp, giải quyết kịp thời.
Để minh chứng cho sự đồng hành từ phía NH, ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên nêu thực tế: Bắt đầu từ tháng 5 này, lương của lãnh đạo Chi nhánh giảm khoảng 30%; Trưởng phòng giảm 25% và nhân viên là 10%. Dự kiến, năm nay, lợi nhuận của Chi nhánh giảm từ 30-35%. Ngoài ra, ông Hà Mậu Quý cũng kiến nghị: UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hơn trong cải cách hành chính trên môi trường điện tử trong các giao dịch, nhằm rút ngắn thời gian, giảm thủ tục giấy tờ, công sức đi lại của người dân, DN. Đồng thời xem xét, giảm các loại phí liên quan đến đăng ký quyền sở hữu trên đất để DN thuận tiện hơn khi làm đăng ký tài sản trên đất.
Còn theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương (VietinBank) Chi nhánh Thái Nguyên: Cơ quan chức năng của tỉnh cần rút ngắn hơn nữa thời gian đăng ký giao dịch bảo đảm (đăng ký thế chấp) và ngăn chặn cho được tình trạng “cơ chế ngoài” mà DN vẫn phải thực hiện…
Có thể nói, để ổn định và phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh rất cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp, ngành, cộng đồng DN, doanh nhân và mỗi người dân để vượt qua khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, việc hỗ trợ hơn nữa từ phía ngành NH trong giai đoạn hiện nay có rất nhiều ý nghĩa. Cùng với đó là những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện hỗ trợ của ngành NH; làm các thủ tục để vay vốn cũng như trong, quá trình hoạt động của DN rất cần được cấp ủy, chính quyền và sở, ngành liên quan quan tâm, tháo gỡ. Và trên hết, bản thân mỗi DN cũng cần năng động, sáng tạo hơn nữa để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tính đến ngày 20-5, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn là 57.860 tỷ đồng, tăng 1,24% so với cuối năm 2019. Các đơn vị đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 494 khách hàng, với dư nợ trên 3,3 nghìn tỷ đồng; trên 4,7 nghìn khách hàng được vay với lãi suất ưu đãi với số tiền vay 11,5 nghìn tỷ đồng; trên 1,6 nghìn lượt khách hàng được giảm lãi… |