Tháng 6 hàng năm, theo thông lệ được chọn là Tháng hành động vì trẻ em. Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng về trẻ em sẽ được tổ chức trong tháng này. Từ đó, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là công tác phòng, chống xâm hại trẻ em…
Chỉ còn ít ngày nữa là bước vào Tháng hành động vì trẻ em năm 2020. Theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm nay là: “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”. Để thực hiện tốt các yêu cầu theo chủ đề trên, trước hết công tác truyền thông phải được đặc biệt quan tâm. Trong truyền thông chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án cho trẻ em và các thông điệp cần thiết.
UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch chi tiết cho Tháng hành động vì trẻ em, trong đó cũng đề cao vai trò của công tác truyền thông. Có một số nội dung mà truyền thông cần thực hiện, đó là: Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; các chế tài xử lý hành vi vi phạm quyền trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình. Tư vấn, hướng dẫn vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong triển khai các biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ, nhất là trong dịp hè. Trong đó có thông tin rộng rãi về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em của tỉnh Thái Nguyên (số 1800 8080). Tuyên truyền các chương trình, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã và đang được triển khai trên địa bàn như: Khám sàng lọc và hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh; khám và hỗ trợ phẫu thuật trẻ em bị khuyết tật vận động; dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Truyền thông tư vấn kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt kỹ năng phòng, chống xâm hại qua các cơ quan thông tin đại chúng và tại cộng đồng dân cư.
Cùng với truyền thông, các hoạt động xã hội vì trẻ em tại cộng đồng cũng sẽ được chú trọng. Trong tháng 6, các cấp, ngành tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi. Tổ chức tiếp nhận, khám bệnh, điều trị, tư vấn chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý, trị liệu tâm lý cho trẻ bị bạo lực, xâm hại; hỗ trợ chăm sóc y tế cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, khuyết tật. Vận động kết nối, tạo điều kiện cho các nhà tài trợ tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo; hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng tại các điểm trường có đông học sinh là người dân tộc thiểu số… Trong tháng cũng sẽ phát động hưởng ứng “Ngày lao động vì hạnh phúc trẻ em”, ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em trong tỉnh. Thời gian tập trung cao điểm từ nay đến 30-6.
Các chương trình thúc đẩy sự tham gia của trẻ cũng như hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao, du lịch sẽ được triển khai tổ chức trên tinh thần đảm bảo an toàn, lành mạnh cho trẻ. Ngoài ra, cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các chính sách đối với trẻ em, nhất là tình hình sử dụng lao động trẻ em để ngăn chặn kịp thời các hành vi lạm dụng sức lao động trẻ em...