Đảm bảo an toàn tại các mỏ khai thác đá

09:36, 19/05/2020

Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có 24 doanh nghiệp khai thác đá, với 24 điểm mỏ. Các mỏ khai thác đá góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này lại luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, chính vì vậy, thời gian qua, huyện Đồng Hỷ đã tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp khai thác cần chú trọng đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất những thiệt hại gây ra.

Mỏ khai thác đá Lân Đăm 1, xã Quang Sơn của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Bắc Sông Cầu được cấp phép khai thác từ năm 2015. Hiện, mỏ có 20 cán bộ, công nhân lao động. Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, tăng doanh thu và thu nhập cho người lao động, doanh nghiệp còn luôn quan tâm và thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN). Ông Phan Văn Đại, Giám đốc điều hành mỏ cho biết: Khai thác, chế biến đá là một trong những ngành nghề có tính chất nguy hiểm, độc hại. Do đó, chúng tôi xác định, để duy trì được sản xuất thì yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu. Hàng năm, đơn vị đều đặn tổ chức các lớp tập huấn về an toàn lao động nhằm nâng cao nhận thức cho lao động, nhân viên. Ngoài ra, trong quá trình khai thác, sản xuất, đơn vị yêu cầu công nhân ở tất cả các bộ phận phải trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, nhất là ở bộ phận thợ khoan, thợ nổ mìn. Nhờ đó, từ khi đi vào sản xuất đến nay, Công ty chưa để xảy ra trường hợp tai nạn lao động nào.

Công ty cổ phần Đá ốp lát và Vật liệu xây dựng được cấp phép khai thác mỏ đá Quang Sơn trong thời gian 17 năm (từ năm 2007 đến năm 2024), với trữ lượng mỏ hơn 1,3 triệu m3 đá nguyên khối, công suất khai thác mỗi năm 100.000m3. Hiện, công ty có 36 cán bộ, công nhân lao động. Bà Vương Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty cho biết: An toàn lao động là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp. Do đó, từ khi đi vào khai thác, chúng tôi đã có phương án đảm bảo an toàn, từ việc sử dụng phương pháp khai thác đá, liều lượng thuốc nổ. Công ty đang khai thác đá bằng phương pháp nổ mìn visai. Đây là phương pháp khá hiệu quả và an toàn, không chỉ tăng hiệu quả đập vỡ đá đồng đều hơn mà còn giảm độ rung chấn, giảm đá văng an toàn cho cả người lao động và các công trình xung quanh. Cùng với đó, để đảm bảo an toàn, Công ty đã thành lập Ban ATVSLĐ-PCCN với 7 thành viên, mỗi phân xưởng đều có thành viên tham gia. Vì vậy, việc nhắc nhở người lao động chấp hành an toàn lao động được thực hiện thường xuyên. Các hệ thống biển cảnh báo hiệu được lắp đặt đầy đủ và thường xuyên làm mới; trang bị đầy đủ và yêu cầu lao động sử dụng bảo hộ theo quy định...

Qua đánh giá của các phòng chức năng huyện Đồng Hỷ, với 24 điểm mỏ trên địa bàn, cơ bản các doanh nghiệp đều chấp hành nghiêm quy định về ATVSLĐ-PCCN, những năm vừa qua, không để xảy ra trường hợp tai nạn lao động nào. Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có nhiều mỏ khai thác khoáng sản, chủ yếu là khai thác đá. Hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, do đó, hàng năm, huyện đều có văn bản chỉ đạo tới các đơn vị, phải thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến thời tiết; chủ động có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó khi sự cố xảy ra. Nhất là vào mùa mưa bão, huyện yêu cầu các đơn vị cần chú ý những khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún mất an toàn phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm; tạm dừng các hoạt động khai thác khoáng sản hoặc có kế hoạch khai thác phù hợp với thực tế khi có hiện tượng thời tiết bất thường... Huyện cũng đã giao UBND các xã, thị trấn tiến hành giám sát việc thực hiện đảm bảo an toàn tại các điểm mỏ thuộc địa bàn quản lý. Đến thời điểm này, cơ bản các doanh nghiệp, đơn vị đều chấp hành tốt các quy định ATVSLĐ-PCCN.